Giải pháp toàn diện cho Hà Nội xanh, sạch, phát triển bền vững đến năm 2030
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm hướng tới một Thủ đô xanh hơn, sạch hơn. Những nỗ lực này không chỉ nhằm cải thiện chất lượng sống cho người dân mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Lồng ghép mục tiêu xanh vào Quy hoạch Thủ đô
Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến - không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, mà còn đang trở thành hình mẫu tiên phong trong chiến lược phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khiến cho môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân bị đe dọa, TP. Hà Nội đã nỗ lực triển khai những chính sách, chương trình hành động cụ thể về kiểm soát ô nhiễm, trồng cây xanh, quy hoạch đô thị bền vững, phát triển hạ tầng môi trường.
Bên cạnh đó tăng cường truyền thông, vận động mạnh mẽ từ cấp thành phố đến từng phường, xã. Từ việc quản lý rác thải đến quy hoạch hạ tầng xanh, từ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn đến thúc đẩy tiêu dùng bền vững - tất cả đều thể hiện một quyết tâm rõ ràng: Hà Nội phải là nơi "đáng sống" cho cả thế hệ hôm nay và tương lai.

TP. Hà Nội đã nỗ lực triển khai những chính sách, chương trình về kiểm soát ô nhiễm, trồng cây xanh, quy hoạch đô thị bền vững, phát triển hạ tầng môi trường. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, mỗi năm trên địa bàn thành phố phát thải hàng triệu tấn CO₂, chủ yếu từ hoạt động của hơn 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân... Cùng với đó, chất lượng không khí thường xuyên ô nhiễm ở mức đáng báo động, đặc biệt vào mùa đông và mùa xuân.
Trước thực trạng này, thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Điển hình là Kế hoạch số 149/KH-UBND về Hành động tăng trưởng xanh của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 228/KH-UBND của UBND thành phố về Triển khai thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội; các chương trình trồng cây xanh, lắp đặt điện mặt trời áp mái, phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch... Mới đây, ngày 13/5/2025, UBND thành phố tiếp tục ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND về Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong quản lý chất thải đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội tăng cường công tác quản lý môi trường và thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh; Thiết lập hệ thống kiểm tra nội bộ định kỳ tại 30 quận, huyện về chất lượng không khí, tiếng ồn, xả thải; Xây dựng Cổng thông tin môi trường Hà Nội, công khai dữ liệu chất lượng không khí theo giờ, hiện đang có hơn 40 trạm quan trắc không khí cố định và 5 trạm lưu động trên toàn địa bàn.
Kể từ khi Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực vào đầu năm 2024, Hà Nội đã chủ động tích hợp mục tiêu phát triển xanh vào đồ án Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, các chỉ tiêu cụ thể được lồng ghép như: 100% dự án phát triển đô thị phải dành tối thiểu 15% diện tích cho cây xanh, mặt nước; Ưu tiên giao đất, vốn và quỹ đầu tư công cho các dự án giao thông công cộng và hạ tầng xử lý môi trường; Quy định bắt buộc sử dụng vật liệu xanh (gạch không nung, sơn không chì…) trong các công trình công cộng.
Xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra và đánh giá minh bạch, công khai
TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định: Hà Nội đang chuyển đổi từ một thành phố mở rộng bằng bê tông, sang phát triển bằng chất lượng không gian sống. Cốt lõi của đô thị bền vững là sinh thái, công bằng và nhân văn.
Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, để bảo vệ môi trường, giảm phát thải thực chất, Hà Nội cần đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, có thể đo đếm được, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra và đánh giá minh bạch, công khai. Quan trọng hơn, mỗi chính sách đưa ra cần đi kèm nguồn lực tài chính đủ mạnh và cách tiếp cận toàn diện nhằm thay đổi hành vi của người dân.
Trước hết, Hà Nội cần nhận diện được hơn 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguồn phát thải lớn nhất đang gây ô nhiễm môi trường, để đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống xe buýt sang điện hoặc năng lượng sạch; phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, thân thiện với môi trường; ban hành các chính sách khuyến khích mạnh mẽ cho việc sử dụng phương tiện không phát thải như xe đạp, xe điện.
Thứ hai, sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả bằng cách thúc đẩy lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các tòa nhà hành chính, trường học, bệnh viện và khu dân cư. Bên cạnh đó, thành phố cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng, khuyến khích các tiêu chuẩn công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
Thứ ba, thành phố cần đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa, nhằm góp phần cắt giảm khí metan. Đồng thời, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị xanh, sử dụng phụ phẩm hữu cơ làm phân bón sẽ tạo ra chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn và bền vững.
Tuy nhiên, việc giảm phát thải khí nhà kính không phải là nhiệm vụ của riêng chính quyền mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn. Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và giám sát việc thực hiện chính sách môi trường.
Người dân Thủ đô cần hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, ưu tiên sản phẩm xanh, hạn chế rác thải nhựa, tham gia phân loại rác sinh hoạt và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô cần lồng ghép giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy. Đặc biệt, thế hệ trẻ cần được trao cơ hội và nguồn lực để trở thành lực lượng tiên phong trong các phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cần một cách tiếp cận toàn diện, kết hợp và ứng dụng thông minh
Để bảo đảm chất lượng môi trường sống, TS.KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, Hà Nội cần rà soát và điều chỉnh lại mật độ xây dựng ở các quận nội đô, tăng không gian cây xanh và mặt nước. Cần phải kiểm soát chặt chẽ các dự án xây dựng mới để không phá vỡ cân bằng sinh thái đô thị. Quy hoạch đô thị phải gắn liền với phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, cải tạo hệ thống thoát nước đô thị, mở rộng công viên và hồ điều hòa để tăng tính chống chịu với biến đổi khí hậu.
Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị để bảo đảm tính bền vững và khả năng chống chịu, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng yếu tố môi trường không khí – một thành phần thiết yếu trong chất lượng sống – cần được ưu tiên đặc biệt.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, để cải thiện chất lượng không khí, TP. Hà Nội cần chú trọng tới việc kiểm soát nguồn phát thải từ giao thông, hoạt động xây dựng, rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Thành phố nên đầu tư mở rộng mạng lưới quan trắc không khí, đồng thời sớm ban hành bộ chỉ số đánh giá chất lượng không khí phù hợp với điều kiện địa phương. Khuyến khích người dân sử dụng xe điện, giảm sử dụng than tổ ong và phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ phát triển ứng dụng giám sát môi trường qua thiết bị di động là các bước đi cần thiết.
Bên cạnh giải pháp giảm phát thải và cải thiện chất lượng không khí, vấn đề xử lý nước thải và ô nhiễm nguồn nước đô thị cũng được xem là một trong những thách thức cấp bách, đòi hỏi Hà Nội phải có chiến lược kỹ thuật và đầu tư đồng bộ hơn.
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc xử lý nước thải đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập khi đa số nước thải sinh hoạt chưa được xử lý. Hà Nội cần ưu tiên mô hình xử lý nước thải phi tập trung theo cụm dân cư, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa giúp giảm tải cho hệ thống xử lý tập trung.
Bên cạnh đó, cần kết hợp với cải tạo hệ thống thoát nước cũ kỹ, nâng cao ý thức người dân trong việc xả thải đúng quy định và khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý vi sinh thân thiện môi trường.
Nếu như giải pháp hạ tầng xử lý nước thải góp phần trực tiếp vào việc giảm thiểu ô nhiễm đất và nước, thì theo các chuyên gia giao thông, sự cải thiện hệ thống vận tải công cộng cũng đóng vai trò không thể thiếu trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới một thành phố thân thiện với môi trường.
TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, Hà Nội cần đẩy nhanh quá trình phát triển hệ thống giao thông xanh – trong đó ưu tiên mở rộng tuyến xe buýt điện, xe buýt nhanh (BRT) và metro. Thành phố cũng cần xây dựng hệ thống bãi giữ xe thông minh ngoại ô kết hợp thu phí phương tiện vào trung tâm nội đô để hạn chế ùn tắc và ô nhiễm. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ cũng là một bước đi cần thiết nhằm xây dựng văn hóa giao thông thân thiện với môi trường.
Nhìn chung, các chuyên gia đều thống nhất rằng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh, Hà Nội không thể đi theo lối mòn của tăng trưởng truyền thống mà cần một cách tiếp cận toàn diện – kết hợp giữa quy hoạch thông minh, ứng dụng công nghệ xanh, cải cách thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Để Thủ đô Hà Nội trở thành hình mẫu đô thị hiện đại trong khu vực
Hà Nội đang đứng trước thời điểm bản lề, hoặc lựa chọn tiếp tục phát triển theo mô hình cũ với chi phí bảo vệ môi trường ngày càng đắt đỏ, hoặc chủ động chuyển đổi theo hướng xanh - sạch - bền vững, trở thành hình mẫu đô thị hiện đại trong khu vực.
Để thực hiện được điều đó, thành phố không thể chỉ dừng ở các tuyên bố và kế hoạch dài hạn mà phải hành động ngay. Mỗi ngày chậm trễ là thêm một phần của tương lai bị đánh mất. Vì một Hà Nội xanh hơn, sạch hơn, sống tốt hơn - hành động hôm nay chính là đầu tư cho ngày mai.
Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc thực hiện các cam kết về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Với vị thế là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, Thủ đô Hà Nội không chỉ chịu trách nhiệm dẫn dắt cả nước trong phát triển kinh tế – xã hội, mà còn đóng vai trò tiên phong trong kiến tạo mô hình đô thị sinh thái – bền vững ở khu vực Đông Nam Á.
Bằng hàng loạt chiến lược và chương trình hành động cụ thể của thành phố như tăng trưởng xanh, kiểm soát ô nhiễm không khí, tái cấu trúc giao thông công cộng, quản lý chất thải và mở rộng không gian xanh… đã cho thấy sự quyết liệt của TP. Hà Nội hướng tới phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất lớn bởi dân số ngày càng đông, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, hạ tầng kỹ thuật và pháp lý chưa theo kịp, trong khi nguồn lực tài chính – nhân lực còn nhiều hạn chế. Để Hà Nội thực sự trở thành một đô thị đáng sống, có sức chống chịu cao và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp:
Đối với thể chế và chính sách, cần cụ thể hóa Luật Thủ đô sửa đổi thành các cơ chế đặc thù về quản lý không gian, đầu tư xanh, kiểm soát môi trường và huy động nguồn lực xã hội hóa.
Về giải pháp hạ tầng và công nghệ, cần ưu tiên đầu tư cho hạ tầng xử lý nước thải, rác thải thông minh, hệ thống giao thông công cộng xanh, lưới điện thông minh và các ứng dụng giám sát môi trường theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cần tăng cường giáo dục và thay đổi hành vi cộng đồng: Xây dựng văn hóa sống xanh từ nhà trường, công sở tới cộng đồng dân cư; đẩy mạnh truyền thông môi trường gắn với chuyển đổi lối sống bền vững.
Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và quốc tế: Tăng cường hợp tác công – tư (PPP), thu hút đầu tư từ các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp công nghệ xanh trong lĩnh vực môi trường đô thị.
Đồng thời, lồng ghép các mục tiêu SDGs vào quy hoạch phát triển: Gắn phát triển xanh với xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế, theo đúng tinh thần của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Quan trọng hơn cả, mọi chính sách chỉ thực sự hiệu quả khi đi đôi với cam kết thực hiện nghiêm túc, giám sát minh bạch và có sự đồng hành của toàn xã hội. Một Hà Nội xanh hơn, sạch hơn không chỉ là kết quả của chiến lược phát triển, mà còn là trách nhiệm và niềm tự hào của từng người dân Thủ đô.
Thủ đô xanh không chỉ là màu của cây lá, mà còn là biểu tượng cho sự văn minh, tiến bộ và trách nhiệm thế hệ. Khi mỗi con phố được phủ xanh, mỗi dòng sông trong sạch, và mỗi người dân đều hành động vì môi trường – đó chính là lúc Hà Nội thực sự trở thành một "Thành phố đáng sống" của châu Á trong thế kỷ 21.
Thùy Chi