Giải quyết bất cập trong công tác xử lý rác thải nội đô
(Chinhphu.vn) - Việc thu gom, xử lý rác thải bảo đảm hiệu quả vẫn luôn là bài toán khó, nhất là ở khu vực đô thị. Hiện nay khi lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, áp lực lên môi trường ngày càng tăng thì việc nâng cao hiệu quả công tác thu gom rác càng trở nên cấp bách.
Theo thống kê, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
Theo các chuyên gia, với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của TP. Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.
Thực tế trên đang tồn tại mâu thuẫn đáng lo ngại, đó là lượng rác thải của TP. Hà Nội ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác thì dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, hiện nay công tác xử lý thu gom rác thải sinh hoạt đang gặp nhiều vấn đề. Đó là việc chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất, chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom vận chuyển rác. Đơn giá áp dụng theo Quyết định 453/QĐ-UBND cho công tác thu gom, vận chuyển còn nhiều bất cập như cấp bậc thợ và hệ số bảo đảm thu nhập cho người lao động đều bị giảm cùng với đó là biến động về giá nhiên liệu, thời gian khấu hao,…
Một vấn đề nữa là kinh phí bố trí cho hoạt động môi trường còn khó khăn; chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ đổi mới công nghệ trong công tác thu gom chuyển đổi rác.
Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất cho các dự án đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình bảo vệ đã được quy định tại Khoản 6, Điều 78, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa sát với thực tế thu gom và xử lý rác nội đô…
Đối với công tác phân loại rác tại nguồn cũng chưa có kế hoạch thực hiện, không có quy hoạch hạ tầng đối với các cơ sở tập trung phân loại tái chế của Thành phố…
Cần giải pháp đồng bộ từ phân loại rác đến đầu tư hạ tầng
Theo các chuyên gia, đối với các đô thị lớn như Hà Nội, cần triển khai một cách đồng bộ nhiều giải pháp như: Phải có quy định rõ ràng về việc phân loại rác thải. Thành phố phải đầu tư một hệ thống hạ tầng đầy đủ để phân loại được rác ở những nơi công cộng cũng như tại hộ gia đình, đồng thời có các loại phương tiện để vận chuyển những loại rác khác nhau.
Ths Hàn Trần Việt, Viện Khoa học môi trường cho biết, chúng ta cần phải học tập kinh nghiệm ở các nước tiên tiến, ví dụ như ở Úc dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được phát triển chia theo thành phần chất thải được phân loại, bao gồm chất thải chung, chất thải hữu cơ và chất thải tái chế. Đối với mỗi loại chất thải thì hình thức thu gom cũng khác nhau, đều sử dụng xe thu gom chuyên dụng cho từng loại rác…
Còn ở Hàn Quốc, phát triển hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải theo thành phần chất thải sau phân loại. Chất thải rắn sinh hoạt ở đây được phân loại thành chất thải tái chế, chất thải cồng kềnh, chất thải hữu cơ và các loại khác. Đối với mỗi loại chất thải sẽ phát triển một hệ thống thu gom riêng biệt, phù hợp. Ví dụ, đối với chất thải thực phẩm, cư dân đô thị bỏ chúng vào thùng đựng chỉ đựng chất thải thực phẩm. Chất thải thực phẩm bỏ đi được thu gom bởi 1 người thu gom hằng ngày hoặc cách ngày tùy thuộc vào lượng rác thải đô thị…
Việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng khác nhau tùy từng quôc gia. Các nước phát triển thường áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, có thu hồi khí bãi rác và công nghệ nhiệt phân, đốt chất thải phát điên. Trong khi đó các nước phát triển có thu nhập trung bình và thấp chất thải rắn sinh hoạt thường được xử lý tại bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, xử lý tại các nhà máy sản xuất phân compost. Một số quốc gia đã quan tâm đầu tư áp dụng một số biện pháp xử lý tiên tiến như cơ sinh học, khí hóa, đóng kén,…
Từ kinh nghiệm các nước, Ths Hàn Trần Việt cho rằng, tại Việt Nam nói chung và các đô thị như Hà Nội nói riêng, khi chất thải đã được phân loại tại nguồn, được thu gom, vận chuyển theo từng loại chất thải thì có thể nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý bằng sản xuất phân hữu cơ, công nghệ đốt chất thải bên cạnh đầu tư mới hoặc cải tiến các bãi chôn lấp thành bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
PGS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, để cải tiến hay hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải rắn sinh, đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể từ chính sách pháp luật, quản lý tổng hợp, các giải pháp kỹ thuật hoàn thiện đối với đặc điểm của từng công nghệ theo một trong những mục tiêu chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đó là ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường;
Lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn.
Bên cạnh đó, việc tính phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với đối tượng xả thải phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và phù hợp với lộ trình tính phí trên nguyên tắc phí thu gom, dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý phải được tính đúng, tính đủ các chi phí liên quan và vận hành có lộ trình phù hợp…
Thùy Linh-Chung Anh