Giải trình về việc chậm quy hoạch khu đô thị vệ tinh

05/12/2019 5:55 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, việc triển khai đô thị vệ tinh gặp nhiều khó khăn, chậm so với quy định, ảnh hưởng đến việc sức ép quá tải của khu vực nội đô như mục tiêu đề ra.

Giải trình về việc chậm quy hoạch khu đô thị vệ tinh, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội diễn ra trong ngày 5/12, ông Nguyễn Trúc Anh Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết, Thành phố hiện có 5 đô thị vệ tinh gồm: Đô thị vệ tinh Hòa Lạc; Đô thị vệ tinh Xuân Mai; Đô thị vệ tinh Sơn Tây; Đô thị vệ tinh Phú Xuyên; Đô thị vệ tinh Sóc Sơn.

Song hiện nay mới chỉ có Đô thị Hòa Lạc đã thực hiện xong công tác lập quy hoạch và được Bộ Xây dựng chấp thuận là đủ điều kiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới đây.

2 đô thị Sơn Tây và Sóc Sơn hiện được giao cho một số tập đoàn nghiên cứu ý tưởng. Sau khi hoàn thành sẽ giao lại cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập dự án. Trong quý 1/2020, đơn vị tư vấn sẽ báo cáo về đô thị Sóc Sơn. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên và Xuân Mai với 6 đồ án phân khu đang xây dựng đồ án để phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, từ năm 2015 thành phố đã có chủ trương lập quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh nhưng đến nay đã 5 năm chưa hoàn thành nhiệm vụ này.

Điều này cho thấy, cần phải quy trách nhiệm cho các bên liên quan, nhất là Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và thẩm định quy hoạch. Do chậm quy hoạch đô thị vệ tinh nên hiện nay các địa phương đang gặp khó khăn trong công tác xây dựng hạ tầng cũng như cấp phép xây dựng.

Giải đáp về những nội dung đại biểu HĐND và cử tri Thủ đô quan tâm, ông Nguyễn Trúc Anh cho rằng, trách nhiệm về công tác lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch đô thị vệ tinh đã được thành phố giao cho một số huyện lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp có chức năng để thực hiện.

Đơn cử như Đô thị vệ tinh Sơn Tây gồm 6 phường, được giao cho Tập đoàn T&T lập quy hoạch và thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do năng lực đơn vị tư vấn nên chưa hoàn thành được đồ án.

Theo ông Nguyễn Trúc Anh, để lập quy hoạch cần ít nhất 12 bộ môn chuyên ngành sâu, (hạ tầng, cây xanh, chiếu sáng, cấp thoát nước…) nên nhiều tư vấn không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài năng lực yếu của đơn vị tư vấn thì cơ sở dữ liệu đầu vào cho công tác quy hoạch của một số địa phương còn thiếu dẫn đến công tác lập quy hoạch càng khó khăn. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng quy hoạch cũng như tiến độ quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của cử tri và lãnh đạo thành phố.

Cùng với đó, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cũng nêu những khó khăn, vướng mắc do cơ chế trong quá trình lập, thẩm định đồ án quy hoạch mà Sở đang gặp phải. Đó là quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Trong khi đó, khâu này cũng gặp không ít khó khăn, nhiều đơn vị không thực hiện được do hướng dẫn về lấy ý kiến chưa được cụ thể.

“Còn về quy hoạch phân khu H1 (Phân khu H1 - A, B, C là khu vực quận Hoàn Kiếm, H1-2 là của quận Ba Đình, khu H1-3 là quận Đống Đa, H1-4 là quận Hai Bà Trưng), có một vấn đề vướng mà không thể phê duyệt được là câu chuyện “con gà quả trứng”: Điều kiện Bộ Xây dựng đưa ra là phải phê duyệt được quy chuẩn địa phương của 4 quận nội thành, nhưng quy chuẩn này ra điều kiện là không được thấp hơn quy chuẩn quốc gia”, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết.

Trước thực trạng tại một số địa phương ở Hà Nội do thiếu quy hoạch dẫn tới việc quản lý xây dựng còn khó khăn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị nhất là đối với những huyện đang trong lộ trình lên quận như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm. Tại các địa phương trên đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân “xé” nhỏ các mảnh vườn, bán lại cho người dân xây dựng nhà ở, dẫn đến ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị trong tương lai.

Cho biết thêm về công tác quy hoạch và giám sát quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đều yêu cầu rà soát định kỳ để đánh giá quy hoạch đô thị, nhằm điều chỉnh phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế xã hội.

Hiện Thành phố cũng yêu cầu các địa phương hằng tháng phải báo cáo về rà soát quy hoạch, tuy nhiên các quận, huyện mới chỉ báo cáo bằng văn bản, còn việc cập nhật dữ liệu chưa thực hiện nên cũng ảnh hưởng tới công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Để quản lý tốt công tác quy hoạch trên địa bàn, ông Nguyễn Trúc Anh kiến nghị, cần đẩy nhanh quá trình thực hiện bản đồ số hóa dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm rà soát cũng như thực hiện nghiêm việc giám sát, thực hiện quy hoạch của một số cá nhân, tổ chức trên địa bàn.

Thùy Chi

Top