Giáo dục-Văn hóa: Khẳng định 'Nghìn năm văn hiến' Thăng Long-Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Thủ đô Hà Nội đang bước vào thời điểm trọng đại kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội với nhiều đổi thay tích cực, nhưng cái nền, cái cốt cách làm nên Thủ đô văn hiến của người Tràng An vẫn là Giáo dục-Văn hóa vốn là điểm tựa muôn đời cho sự phát triển của mọi quốc gia.
Ảnh minh họa |
Giáo dục-Văn hóa Thủ đô là chọn lọc, kết tinh, thăng hoa của nghìn năm văn hiến Thăng Long-Hà Nội. Thành phố Hà Nội với trên 10 lần đổi tên vẫn giữ được truyền thống nối dài của Thành phố “Rồng bay lên”. UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố vì hòa bình (năm 1999). Hà Nội được vinh danh “Thủ đô Anh hùng” (năm 2000) là niềm tự hào và vinh dự lớn cho mỗi người dân Thủ đô. UNESCO cũng công nhận Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long Di sản văn hóa thế giới (năm 2010) với những giá trị nổi bật toàn cầu; công nhận bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (năm 2011) là tài sản tư liệu thế giới. Gần đây nhất vào năm 2019 UNESCO công nhận Hà Nội là Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu, làm nguồn lực cho văn hóa và sáng tạo văn hóa là nền tảng cho phát triển Văn hóa bền vững nhất là chúng ta đang bước vào thời kỳ của côn nghệ 4.0
Ngày nay Giáo dục Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước.
Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Hiện nay, Hà Nội có 2.746 trường (gồm 2.744 trường mầm non, phổ thông và 2 trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) với 60.391 nhóm lớp, 2.023.866 học sinh; có nhiều mô hình, loại hình trường, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của con em Thủ đô. Tính đến nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có 155.323 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học. Tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học đạt chuẩn là 100%. Tỷ lệ trên chuẩn giáo viên mầm non 53,5%; tiểu học: 93,8%; trung học cơ sở (THCS): 75,6%; trung học phổ thông (THPT): 21,3%; trung cấp chuyên nghiệp (TCCN): 39,8%; giáo dục thường xuyên (GDTX): 16,5%. Đây chính là nguồn lực quan trọng để toàn ngành thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả và tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập.
Vài năm trở lại đây, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế (55 huy chương Vàng, 66 huy chương Bạc, 88 huy chương Đồng, 30 Khuyến khích); 155 giải quốc gia năm 2019 (14 giải Nhất, 47 giải Nhì, 56 giải Ba, 38 giải Khuyến khích). Đặc biệt trong các kỳ thi Olympic năm 2019, đã có 1 học sinh Hà Nội là học sinh Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành Olympic Hóa học (IChO), 01 học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn .
Phát triển hệ thống trường đạt Chuẩn quốc gia được coi là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong những năm qua, số trường đạt Chuẩn quốc gia của Hà Nội có bước phát triển đáng kể. Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2019, đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn toàn Thành phố là 55,1%, trong đó công lập là 66,7%. Đã công nhận được 19 trường chất lượng cao. Mô hình trường chất lượng cao đang phát huy tác dụng tốt với học sinh và cha mẹ học sinh, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, đổi mới và hội nhập.
Thành tích về Giáo dục và Đào tạo của Hà Nội rất đáng được ghi nhận và được coi là điển hình cho các địa phương cả nước học tập, noi theo. Tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn và lưu tâm với Giáo dục Thủ đô. Đó là việc dạy thêm, học thêm còn nhiều bất cập. Hiện tượng thực dụng, mặt trái của cơ chế thị trường vẫn còn len lỏi vào các nhà trường, làm sói mòn phẩm giá của một số cán bộ và giáo viên.
Bên cạnh đó, dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học. Một số địa phương chưa triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới, phát triển trường lớp, việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế. Trường lớp không đủ để dạy 2 buổi/ngày, sĩ số học sinh ở nhiều trường nội thành sinh vượt gần gấp đôi theo chuẩn, chắc chắn là những trở ngại lớn cho việc triển khai chương trình mới có hiệu quả. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa thực sự đạt được hiệu quả cao.
Do đó, cần chú trọng quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy mạnh hơn nữa các cuộc học tập và vận động theo các chủ đề về “Giáo dục Hà Nội đổi mới để phát triển”; “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”.
Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hoá, tiên tiến và từng bước hiện đại. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực chăm lo cho phát triển giáo dục. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Hà Nội cần mạnh mẽ, tiên phong hơn trong trong công cuộc đổi mới Giáo dục. Chặng đường tiếp theo còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố, sự chăm lo của nhân dân Thủ đô, thầy trò Giáo dục - Đào tạo Thủ đô, tin rằng sẽ nỗ lực lao động, học tập, ra sức phấn đấu hoàn thành trọng trách vinh quang trong sự nghiệp “Trồng người”, phát huy và làm vẻ vang truyền thống của Thủ đô văn hiến, anh hùng, xứng đáng với Thăng Long - Hà Nội 1010 năm.
Đặng Tự Ân
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục & Đào tạo)