Gìn giữ giá trị di sản văn hóa phi vật thể rối nước Đào Thục
(Chinhphu.vn) - Với nhiều thăng trầm, đến nay, rối nước làng Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã duy trì, gìn giữ, phát triển được nghệ thuật múa rối nước, khai thác được thế mạnh của di sản văn hóa phi vật thể; bảo tồn được di sản văn hóa và thu hút được du khách đến với văn hóa dân gian.
Cùng gìn giữ, bảo tồn rối nước Đào Thục
Múa rối nước Đào Thục của làng Đào Thục (nay thuộc địa phận xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) do ông Tổ nghề có tên gọi Đào Đăng Khiêm tên thật là Nguyễn Đăng Vinh (1658-1732) truyền dạy. Đã trải qua 300 năm, Phường rối trước đó cũng có nhiều thăng trầm, cho đến những năm thập niên 70-80 của thế kỷ XX, Phường rối nước của làng Đào Thục đã từng bước được phục dựng lại.
Nghệ nhận Nguyễn Thế Nghị, phường rối nước Đào Thục chia sẻ, đến năm 1984, rối nước Đào Thục đã hoàn toàn được khôi phục với đầy đủ 17 tích trò cổ và sáng tạo thêm được 7 tích trò mới được duy trì và phát triển cho đến nay.
Ngày 12/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đào Thục là một ngôi làng cổ, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. Văn bia đình làng Đào Thục ghi lại, nghề múa rối nước ở làng có từ thời Lê Trung Hưng, cách đây khoảng hơn 300 năm.
Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị (sinh năm 1973) sinh ra và lớn lên ở làng Đào Thục. Với lòng đam mê quân rối, từ nhỏ anh đã tham gia Tổ cạn của phường rối, thuộc lòng các hoạt động của mỗi tích trò, thuộc lòng các bài hát chèo, các lời "giáo trò" của chú Ba Khí (nhân vật giáo trò) của quê hương. Anh Nghị học theo mẹ và các nghệ nhân khi xem rối ở ao làng, học mẹ tôi khi và hát, luyện tập ở nhà.
Nhờ gắn bó với nghệ thuật rối nước lâu năm, cộng với say mê nên anh Nghị nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật điều khiển, trực tiếp học nghề của những thế hệ nghệ nhân xuất sắc của làng rối Đào Thục.
Hoạt động của Phường Rối nước Đào Thục gồm nhiều khâu: Chế tác, tạo hình quân rối; chế tác "sào máy" - dụng cụ quan trọng để biểu diễn những tích trò khó; các kỹ thuật điều khiểu quân rối (biểu diễn rối nước); biểu diễn âm nhạc, hát chèo, giáo trò (Tổ cạn - các hoạt động trên bờ)…
Trong các hoạt động của phường rối, nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị được truyền dạy và nắm giữ các kỹ năng ở cả Tổ cạn lẫn Tổ nước, gồm: Các kỹ năng điều khiển quân rối (Tổ nước); hát chèo và giáo trò (Tổ cạn).
Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị chia sẻ, nghệ thuật biểu diễn rối nước ở làng Đào Thục vừa có điểm chung, vừa có những nét riêng biệt so với các phường rối khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Nếu như nhiều phường rối chủ yếu dùng sào, kết hợp với dây điều khiển quân rối thì một chương trình biểu diễn của Đào Thục tổng hợp nhiều phương thức điều khiển quân rối, gồm: Rối dây, rối sào, rối bè, rối que, rối đống.
Nghệ nhân cho biết, người tham gia Phường rối nước Đào Thục cần nắm giữ tất cả các phương thức điều khiển quân rối, gồm cả lý thuyết và thực hành. Trong đó, có những kỹ thuật khó như: Diễn rối bằng máy có thể quân rối kéo chạy xung quanh ao, hồ nơi biểu diễn; điều khiển rối bằng Sào, đưa con rối quay trái quay phải, bơi lượn trên mặt nước; điều khiến rối que, tức là bằng cách cắm những con rối nhỏ tạo cảnh bổ sung thêm cho các tích trò; điều khiển rối đống là tạo cả một bè rối, một đống quân rối đi lại đều đặn trên mặt nước.
Những kỹ năng của Tổ cạn không được nhiều người chú ý, nhưng với các nghệ nhân phường rối, đây là hoạt động rất quan trọng, gồm có biểu diễn âm nhạc, giáo trò (dẫn chương trình), hát chèo. Trước đây, "ban nhạc" của Tổ cạn gồm nhiều nhạc cụ như: Trống to, trống nhỏ, thanh la, nhịp phách, sáo trúc, nhị, đàn nguyệt, đàn tam… tạo ra buổi biểu diễn nhạc sống rất sôi động. Quân rối biểu diễn dưới nước, người ở Tổ cạn phải phối hợp đồng bộ, vừa dẫn chương trình, vừa hát, vừa đối đáp, ứng biến cho phù hợp bối cảnh. Tổ cạn đóng vai trò quyết định trong tạo nên không khí sôi động của các buổi diễn nếu biết dẫn dắt, phối hợp nhuần nhuyễn với hoạt động của quân rối dưới nước.
Với tình yêu, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, của lớp lớp thế hệ các nghệ nhân, múa rối nước Đào Thục đã được các nghệ nhân, nhân dân gìn giữ, bảo tồn, phát huy hiệu quả, tạo thành nét đặc trưng văn hóa của quê hương Đông Anh.
Rối nước Đào Thục: Sản phẩm du lịch đặc sắc được duy trì và phát triển
Trong nhiều năm qua, Phường rối nước Đào Thục đã đẩy mạnh hoạt động biểu diễn tại địa phương, tham gia Liên hoan Múa rối, lưu diễn tại nhiều sự kiện văn hoá, lễ hội trên toàn quốc, thường xuyên tham gia biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học, ti tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị còn tham gia vài trò là người dẫn chương trình, kết nối các hoạt động biểu diễn để rối nước Đào Thục đến gần hơn nữa với khán giả.
Trên cơ sở nắm vững kỹ thuật điều khiển quân rối, kết hợp với kiến thức thu nhặt được, nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị đã sáng tác, dàn dựng hai tích trò mới với tên gọi "Trầu cao quan họ", "Huyền thoại Cổ Loa thành" được các nghệ nhân Phường Rối nước Đào Thục ủng hộ và góp phần tạo nên thương hiệu của phường rối.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị, hiện nay, Phường Rối nước Đào Thục trở thành một điểm du lịch văn hoá, trải nghiệm hấp dẫn dành cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Dịp đầu năm, hầu như ngày nào Phường Rối cũng có những suất diễn phục vụ khách quốc tế, các em học sinh… Có những ngày phải phục vụ đến hai ca khác nhau. Đây là điều khác biệt hoàn toàn so với thời kỳ trước.
Nghệ nhân chia sẻ, khi gia nhập phường rối, nghệ nhân và một số bạn trẻ thời kỳ đó đã nhận ra thực tế, nếu phường rối chỉ hoạt động theo phương thức cũ, mỗi năm biểu diễn vài lần vào các dịp lễ hội thì phường rối không thu hút được lớp trẻ, khó bảo tồn, phát huy giá trị bền vững.
Do đó, nghệ nhân Nguyễn Thế Nghĩa và một số bạn trẻ lúc đó đã xin phép các cụ đi "chào hàng" làm du lịch, tổ chức lại công tác biểu diễn, để nếu có khách du lịch thì sẽ có những nghệ nhân sẵn sàng tham gia biểu diễn.
Thời gian đâu, việc đi chào hàng các doanh nghiệp rất khó khăn, bởi nhiều doanh nghiệp không nghĩ một phường rối làng lại có thể tổ chức biểu diễn cho khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng việc thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng chất lượng của tour, việc di chuyển xa đến Đông Anh gây phát sinh chi phí. Trong khi đó, ngay bên hồ Hoàn Kiếm đã có biểu diễn rối nước có thể phục vụ khách du lịch.
"Chúng tôi đã phải thuyết phục các doanh nghiệp về những điểm khác biệt của Đào Thục, đó là xem, trải nghiệm về rối nước trong không gian gốc của di sản. Khi đến làng quê xem rối nước, khách sẽ còn được trải nghiệm nhiều hoạt động sinh hoạt, văn hoá khác ở làng quê. Điều này sẽ rất thuyết phục khách nước ngoài, vì họ đề cao giá trị trải nghiệm. Từ đó, các doanh nghiệp bắt đầu tìm hiểu và đưa khách về làng", nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị chia sẻ.
Từ những thành công ban đầu, được tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các xưởng sản xuất làm con rối, làm xe trâu, bò kéo, các trò chơi dân gian được khôi phục để giữ chân du khách thăm quan, trải nghiệm và xem biểu diễn múa rối nước.
Song song với tổ chức tour, trang web giới thiệu rối nước Đào Thục cũng được xây dựng. Khi mạng xã hội phát triển, nghệ ngân Nguyễn Thế Nghị cùng các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu rối nước Đào Thục. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch, hoặc các vị khách tìm đến Đào Thục qua kênh thông tin này.
Trung bình hiện nay, mỗi tháng phường rối nước Đào Thục có khoảng 15 đến 30 buổi biểu diễn, nhờ đó, thực hành múa rối nước tại Đào Thục ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, nghệ thuật múa rối nước ở Đào Thục ngày càng phát triển.
Gia Huy