Gìn giữ và phát huy nghề thêu truyền thống

31/12/2017 2:25 PM

(Chinhphu.vn)-Thủ đô Hà Nội nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Sự phát triển của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống mà còn là dấu ấn truyền thống văn hoá của dân tộc. Trong số các làng nghề đó, không thể không nhắc đến các làng nghề thêu xã Quất Động, Thắng Lợi,...

Bằng đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã tạo ra những bức tranh thêu rực rỡ và sinh động. Ảnh: Diệu Anh

Tinh hoa nghề thêu truyền thống

Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và điêu luyện thì không đâu bằng người thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nghề thêu Quất Động có cách đây khoảng gần 400 năm, từ giữa thế kỷ XVII, do vị quan đời Lê tên Lê Công Hành truyền dạy nghề.

Có dịp về Quất Động, chúng tôi được các nghệ nhân nơi đây kể lại về huyền tích quanh câu chuyện truyền nghề của vị quan này. Sau khi đi sứ phương Bắc, ông Lê Công Hành đã mang nghề thêu thùa về truyền dạy cho dân làng mình, là niềm tự hào của người dân xã Quất Động.

Ông không những truyền nghề cho người dân trong xã Quất Động mà còn truyền nghề cho các xã lân cận như xã Thắng Lợi, xã Đông Cứu... Sau này đều dựng chung đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã. Từ cái nôi làng nghề này, nghề thêu đã phát triển và có mặt khắp nơi trong cả nước, sản phẩm được ứng dụng rất nhiều trong đời sống, trở thành một phần trong văn hóa của người Việt.

Tìm hiểu về nghề thêu, chúng tôi được các nghệ nhân nơi đây cho biết, các công đoạn thêu sẽ bắt đầu từ vẽ mẫu, căng nền, chấm kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hành thêu. Bằng đôi bàn tay khéo léo, những nghệ nhân đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động nhất.

Từ bao đời nay, ngoài thời gian làm nông thì người dân nơi đây đều ngồi thêu, từ các em nhỏ đến người lớn tuổi. Nhà nào cũng có khung thêu, các mẫu tranh thêu từ hoa quả, cây cối đến các bức tranh thêu truyền thần,... đều được người dân trong thôn thêu rất tỉ mỉ.

Chị Nguyễn Thị Khương, chủ một hãng thêu nhỏ trong thôn chia sẻ, lứa tuổi của các chị khi lên 8, lên 9, đều được ông bà, bố mẹ dạy cho cách thêu. Những người mới học thêu sẽ được dùng một tấm vải nhỏ, căng lên khung hình tròn và học thêu trên đó. Sau khi biết được cách thêu sẽ được học đến kỹ thuật “lát nền”, xong học đến kỹ thuật “sửa” và hoàn thiện bức tranh thêu.

“Nhớ lại thời đó nhà nhà thêu thùa, cùng đến một xưởng thêu, cùng làm, cùng trò chuyện rất vui vẻ. Nhưng bây giờ không còn thấy cảnh xưởng thêu đông đúc như vậy nữa, lớp trẻ hiện nay đi làm xa và quên dần nghề thêu truyền thống”, bà Khương nói.

Bảo tồn và phát huy làng nghề

Cách đây khoảng 20 năm, có rất nhiều khách nước ngoài đặt hàng thêu tay, các thợ thêu làm không xuể. Mặc dù, nghề thêu cũng được truyền cho các xã lân cận nhưng đến nay, hầu như giới trẻ không còn mấy mặn mà với nghề nữa.

Bà Nguyễn Thị Thúy, người đã từng làm nghề thêu ở xã Thắng Lợi cho biết, nghề thêu đòi hỏi sự khéo léo, thời gian và sự sáng tạo, nhưng thu nhập không ổn định. Chính vì vậy, hầu như không có bạn trẻ nào tham gia học thêu nữa. Chủ yếu bây giờ các bạn thêu những mẫu có sẵn từ thị trường như các hàng thêu chữ thập, vì vừa rẻ vừa đơn giản, dễ thêu hơn.

Tuy nhiên, cũng giống như các làng nghề thủ công truyền thống khác, nghề thêu đang đứng trước nguy cơ lụi tàn, số gia đình còn làm nghề thêu liên tục giảm qua từng năm. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với các sản phẩm thêu bằng máy công nghiệp, thị trường tiêu thụ không ổn định, thu nhập bấp bênh.

“Các gia đình làm nghề ở đây còn lại cũng chủ yếu là tầng lớp trung niên và người già cả. Sở dĩ họ còn giữ nghề là do một phần yêu nghề và một phần quá tuổi lao động để được nhận vào các khu công nghiệp tại địa phương”, bà Thúy chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội thêu ren Hà Nội Tạ Văn Sở cho biết, hàng thêu truyền thống đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… Tuy nhiên, với ngày công khoảng 50.000-80.000 đồng/người/ngày như hiện nay, nếu không được nhà nước quan tâm, hỗ trợ thì nghề sẽ bị mai một dần.

Khi được sự quan tâm của nhà nước, giá trị và tầm quan trọng của nghề thêu truyền thống sẽ được tăng lên, đời sống của những người dân làng nghề sẽ khấm khá hơn. Từ đó, nghề thêu tay truyền thống được gìn giữ, phát triển và là nét văn hóa thú vị trong đời sống ngày càng văn minh, hiện đại.

Diệu Anh

Top