Gìn giữ và phát triển làng nghề sơn mài Hạ Thái
(Chinhphu.vn) - Cách trung tâm Hà Nội gần 20km về phía Nam, Làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) là một trong 7 điểm du lịch làng nghề của Thủ đô, nổi tiếng với nghề làm sơn mài. Đây vốn là một trong những nghề cổ đã và đang được người dân gìn giữ, sáng tạo và phát triển cho đến ngày nay.
Những người dân trong làng Hạ Thái cũng không biết chính xác làng nghề sơn mài bắt đầu hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng qua hai bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng bằng sơn mài được thờ trong đình làng Hạ Thái, nghề sơn mài được xác định có ở đây từ thế kỷ XVII.
Lúc đó, làng mới chỉ có nghề sơn đồ nét, được trọng dụng vì nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Chính vì chuyên nghề gia công đồ cho vua quan lúc bấy giờ nên người ta gọi nơi đây là làng nghề "dâng vua".
Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn trong quá trình giao lưu cải biến văn hóa Đông - Tây. Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… Đặc biệt là đưa thêm kỹ thuật mài để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài xuất hiện từ đó.
Sản phẩm sơn mài phản ánh quá trình lao động miệt mài, tỉ mỉ, chứa đựng nét tài hoa của những người thợ, toát lên vẻ đẹp lộng lẫy, óng ánh của các họa tiết mang đậm tính nghệ thuật tinh tế, kiêu sa, duyên dáng. Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải thực hiện hoàn toàn thủ công, với nhiều công đoạn tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian, có khi cả tháng mới xong một sản phẩm.
Theo những người thợ sơn Hạ Thái, mỗi sản phẩm sơn mài, dù chỉ bé nhỏ như chiếc chén, bát, lọ hoa hay "tầm cỡ" như bức tranh….đều đòi hỏi sự công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ, điêu luyện trong từng khâu, từng công đoạn.
Để khi ngắm một sản phẩm được hoàn thành, người xem cảm nhận sự óng ánh của màu sắc đến độ lộng lẫy, kiêu sa; sự tinh tế, duyên dáng của họa tiết và cảm nhận được công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn của người thợ làm ra sản phẩm.
Qua bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước ta được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm của làng quê Việt Nam. Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: Bến nước cây đa, con đò lá trúc, Chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội... đặc biệt được du khách ưa chuộng.
Sự khác biệt lớn nhất của làng nghề sơn mài Hạ Thái là mọi sản phẩm đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nguyên liệu rất đơn giản, mộc mạc để tạo ra những sản phẩm phong phú. Đây là nét đặc trưng mà không phải làng nghề nào cũng có được, đó cũng là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cũng là một Nghệ nhân ưu tú cho biết, nghề sơn mài đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, công phu và cẩn thận. Để làm được một sản phẩm sơn mài phải trải qua vài chục công đoạn, khoảng 12-15 nước sơn mới bảo đảm được độ bóng và bền của sản phẩm. Mỗi công đoạn có những yêu cầu riêng nhưng đều đòi hỏi sự khéo tay, tâm huyết và liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không bảo đảm độ bền cũng như tính mỹ thuật.
Tranh sơn mài của làng nghề Hạ Thái sử dụng những vật liệu màu rất truyền thống của nghề sơn như sơn cánh gián, sơn then, các loại son, bạc thếp, vỏ trai, vàng thếp… và chủ yếu được vẽ trên nền vóc màu đen. Cộng thêm đưa kỹ thuật mài vào đã tạo nên một kỹ thuật sơn mài độc đáo và tạo dấu ấn riêng, làm nên một sản phẩm có thương hiệu và một địa danh làng sơn mài Hạ Thái nổi tiếng.
Vào năm 2020, Hạ Thái chính thức được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng giúp Hạ Thái xây dựng và củng cố thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, đồng thời có bước chuyển mình theo xu hướng phát triển mới của xã hội. Kể từ khi được công nhận là làng nghề du lịch năm 2020, chính quyền địa phương cũng đã dành sự quan tâm cho phát triển ngành "công nghiệp không khói" này.
Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, người dân Hạ Thái đã mở rộng các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao độ phủ sóng và thúc đẩy kinh tế cho làng. Lấy nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, làng Hạ Thái đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thử sức làm tranh sơn mài. , Làng nghề sơn mài Hạ Thái trở thành địa chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước cũng như quốc tế, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, những thiếu thốn về cơ sở vật chất như các công trình vệ sinh công cộng, khu trải nghiệm, phòng trưng bày, khu lưu niệm và cả những công trình du lịch ăn theo như hàng quán, khu vui chơi,...Sơn mài Hạ Thái đang rất cần những dự án mang tính quy mô và đồng bộ để mang lại bộ mặt khác biệt, phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó.
Chia sẻ về hướng bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi cho rằng, theo dòng chảy của thời gian, làng nghề Hạ Thái cũng như các làng nghề truyền thống khác, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, phải không ngừng đổi mới, chuyển mình để duy trì và phát triển.
"Chúng tôi đang hướng phát triển làng nghề thành một điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp như Bát Tràng. Các xưởng liên kết lại với nhau để đào tạo nghề cho thế hệ trẻ trong vùng, đồng thời trang bị kiến thức làm du lịch. Chúng tôi trang bị cơ sở vật chất, tại xưởng sản xuất để làm nơi hướng dẫn khách du lịch được trải nghiệm làm một vài khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài", bà Hồi chia sẻ.
Để làng nghề phát triển bền vững, Hạ Thái cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới cơ sở hạ tầng của làng nghề như khu trưng bày sản phẩm, các điểm đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, khu vực cho khách du lịch ăn uống, mua sắm và tìm hiểu về văn hóa của làng nghề…
Diệu Anh