Giữ cốt cách làng nghề truyền thống mây tre đan

18/06/2022 10:19 AM

(Chinhphu.vn) - Mây tre đan đã trở thành nghề truyền thống, bảo đảm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một lượng lớn người lao động, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc, cốt cách làng nghề mà cha ông để lại cho người dân Phú Vinh.

Giữ cốt cách làng nghề truyền thống mây tre đan  - Ảnh 1.

Lao động làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km đi về hướng Tây Nam, làng nghề sản xuất mây tre đan thuộc thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) được biết đến như một trong những làng nghề truyền thống có tiếng của Hà Nội. Người dân nơi đây đã gắn bó với nghề tổ tiên để lại trong suốt hơn 400 năm và ngày càng có nhiều sáng tạo để làm ra những sản phẩm đa dạng hơn về mẫu mã và kiểu dáng.

Theo người dân địa phương, nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo, đòi hỏi sự công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo.

Nói đến những phụ nữ khéo nghề ở làng mây, tre đan Phú Vinh, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân luôn là người được mọi người nhắc đến. Nhưng điều mà ai cũng bất ngờ là chị Hân không phải người quê gốc Phú Vinh. Năm 21 tuổi, khi lấy chồng ở Phú Vinh, chị Hân mới bắt đầu học những đường đan đầu tiên. "Xuất phát" muộn, nhưng thật ra, chị mê đan lát từ trước. Niềm say mê đó khiến chị rút ngắn khoảng cách từ lúc mới vào nghề đến thạo nghề. Chỉ sau vài năm về Phú Vinh làm dâu, người làng đã biết tiếng Nguyễn Thị Hân.

Xưởng mây, tre của gia đình chị Nguyễn Thị Hân thu hút khoảng 20 lao động, sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Một sáng tạo độc đáo của chị Hân là những món đồ trang sức mới lạ dành cho phụ nữ như: Vòng đeo tay, đeo cổ, khuyên tai… bằng mây, tre đan. Chỉ riêng dòng sản phẩm này đã giúp chị có khách hàng tại nhiều nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hiện làng nghề đã phát triển với nhiều cơ sở trong huyện để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Niềm đam mê và tình yêu với nghề truyền thống đã được thể hiện trên từng sản phẩm của những người thợ. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang cho biết, cơ sở sản xuất mây tre đan của anh hiện thu hút số lượng người lao động lớn nhất trong vùng. Vì mây tre đan đặc thù chia làm nhiều công đoạn nên số lượng người tham gia sản xuất rất đông.

"Nếu lượng đặt hàng ổn định, thu nhập mỗi người dân cũng được khoảng 150-200 nghìn/ngày. Với mức sống ở khu vực ngoại thành, thu nhập như vậy tương đối ổn định, giúp họ trang trải cuộc sống", anh Quang nói.

Mây tre đan đã trở thành nghề truyền thống, bảo đảm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một lượng lớn người lao động, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc, cốt cách làng nghề mà cha ông để lại cho người dân Phú Vinh.

Cần đổi mới, chú trọng phát triển du lịch làng nghề

Giữ cốt cách làng nghề truyền thống mây tre đan  - Ảnh 3.

Các sản phẩm mây tre đan được kết hợp độc đáo tại Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội 2022 tổ chức mới đây. Ảnh: Diệu Anh

Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất mây tre đan của làng nghề Phú Vinh đã gặp phải những khó khăn chung trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là do họ chưa chú trọng đến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Để làng nghề phát triển ổn định, bền vững rất cần một sự đột phá trong tư duy, cách làm hay để phát triển và quảng bá sản phẩm.

Với mong muốn phát triển làng nghề, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trong làng, nhiều nghệ nhân trong làng đã nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, đặc biệt là thay đổi cách quảng bá thương hiệu để nhiều người biết đến sản phẩm làng nghề hơn. Bên cạnh đó, tập trung cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, áp dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối với khách hàng.

Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang, thay vì quảng bá sản phẩm bằng cách truyền miệng, người nào biết tự tìm đến đặt hàng, anh đã đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng bằng việc lập trang facebook và trang web để nhiều người có thể tìm đến dễ dàng hơn.

"Đặc biệt, tôi cũng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, lễ hội để người dân được tiếp cận gần với sản phẩm hơn", anh Quang nói.

Tuy nhiên bên canh việc xây dựng thương hiệu làng nghề thì cũng cần chú trọng đến vấn đề phát triển du lịch. Trong đó, mây tre đan cũng được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm quà lưu niệm du lịch mang tính đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

Vừa qua, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã khẳng định: "Cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; chủ trương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm quà lưu niệm du lịch mang tính đặc trưng của Thủ đô Hà Nội cũng là yêu cầu cấp thiết đối với ngành du lịch, làng nghề, điểm đến, di tích, doanh nghiệp lữ hành, toàn thể các đơn vị hoạt động du lịch đang hướng đến để xây dựng thương hiệu quà tặng cho du lịch Thủ đô".

Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội mà còn là cầu nối đưa du khách đến với sản phẩm truyền thống, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động.

Với sự vào cuộc chung tay của các cấp, ngành cũng như sự thay đổi tư duy của các cơ sở sản xuất truyền thống, tin rằng làng nghề mây tre đan Phú Vinh sẽ luôn được duy trì và ổn định sản xuất, có hướng đi bền vững cho riêng mình.

Diệu Anh

Top