Giữ vững vị thế là địa phương đi đầu trong thực hiện Đề án 06
(Chinhphu.vn) - Năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện các nội dung công tác phục vụ triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn Thành phố; giữ vững vị thế là địa phương tiên phong đi đầu trong thực hiện Đề án 06/CP đảm bảo tiến độ, lộ trình đã được đề ra.
Thời gian qua lĩnh vực cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06 "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" là khâu đột phá được Thành ủy quan tâm chỉ đạo với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực chất, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.
Đề án 06 góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn
Thành phố là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công, với mục tiêu: "Phi địa giới hành chính, phi trung gian và phi vật chất", nhằm đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả phục vụ; hơn 1.100 thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa và công khai minh bạch trên cổng giao tiếp điện tử. Thành phố cũng đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu chính, đóng vai trò quan trọng trong quản trị và điều hành thông minh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Chính quyền số, đồng thời, triển khai hiệu quả 19 nhiệm vụ của Đề án 06.
Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố xác định công tác CCHC, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 là 3 nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu "lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả công tác của các cấp chính quyền". Phương thức thực hiện được xác định "hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới; đẩy mạnh xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước" để phục vụ tốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo mới nhất của thành phố Hà Nội cho biết, kết quả thực hiện Đề án 06 nổi bật nhất trong năm 2024 có thể ghi nhận, đó là người dân Thủ đô đã bước đầu được thụ hưởng nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử. Điển hình đó là việc hoàn thành việc thực hiện chi trả chế độ an sinh xã hội cho các trường hợp trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ngành Lao động -Thương binh và Xã hội; tổ chức thực hiện đăng ký mở tài khoản và các hình thức chi trả không dùng tiền mặt cho các trường hợp thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội theo nhu cầu, đảm bảo thực hiện mọi hình thức chi trả thống nhất theo nguyên tắc "dù thực hiện dưới hình thức nào theo nhu cầu cũng không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội".
Điểm nổi bật thứ 2 là hơn 8 triệu người có thẻ BHYT có thể sử dụng CCCD để khám chữa bệnh (đến hết Quý 3/2024, tăng 218.474 người so với cùng kỳ năm 2023; tăng 59.939 người so với 31/12/2023; đạt 95,6% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,42% dân số). Đến nay, Hà Nội đã kết nối dữ liệu khám chữa bệnh từ hơn 850 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, tạo lập 10,6 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, đồng thời đồng bộ hơn 21 triệu lượt khám chữa bệnh. Với 850/850 (100%) các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn Thành phố áp dụng dùng CCCD để tra cứu thông tin khi khám chữa bệnh BHYT. Đây là cột mốc quan trọng, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin sức khỏe cá nhân trên nền tảng số, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Song song đó, giải pháp Kiosk khám sức khỏe thông minh cũng đã được triển khai thí điểm tại các bệnh viện lớn như Xanh Pôn, Đức Giang, Đống Đa. Các thiết bị này không chỉ giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi mà còn tối ưu hóa quy trình đăng ký khám chữa bệnh, góp phần hiện đại hóa ngành y tế.
Hà Nội đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.191/1.885 TTHC thực hiện trên địa bàn Thành phố (đạt 63,18%), bao gồm 318 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 872 dịch vụ công trực tuyến một phần. Trong đó, đã tích hợp 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 727 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Toàn bộ người dân Thủ đô được miễn, giảm phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất quy định mức thu bằng không, thời hạn thực hiện đến hết 31/12/2025; thanh toán trực tuyến, thu phí không dùng tiền mặt…
Người dân được miễn phí làm thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (kể từ ngày 01/6/2024 đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 11 của HĐND Thành phố). Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Tuyến phố không dùng tiền mặt; thu giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt tại các bến xe tĩnh (đã triển khai tại 360 điểm, bãi trông giữ xe trên địa bàn 17 quận, huyện).
Về khai thuế điện tử, 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99,5% tổ chức, doanh nghiệp và 100% hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử…100% trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thu nộp học phí, thanh toán tiền lương, phụ cấp cho học sinh, cán bộ, giáo viên qua tài khoản ngân hàng.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước đã hoàn thành triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe (HSSK) Thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet và chính thức thực hiện kết nối Hệ thống HSSK Thành phố với Cơ sở dữ liệu Dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân. Đến thời điểm hiện tại, đã xác minh được hơn 6,3 triệu người dân trên toàn thành phố. Điều này không chỉ hỗ trợ việc quản lý thông tin y tế mà còn tạo tiền đề để triển khai các chương trình sức khỏe cộng đồng như khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng, và sàng lọc bệnh lý. Đặc biệt, hơn 2,5 triệu hồ sơ sức khỏe đã được liên thông với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế quốc gia, tạo thuận lợi cho việc tra cứu thông tin qua ứng dụng VNeID.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 04/10/2024, HĐND Thành phố đã thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công. Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.
Ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi ra đời thể hiện tâm huyết và quyết tâm rất cao của Chính quyền thành phố trong mục tiêu "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ" (Hiện, tổng số người dùng đăng ký tài khoản ứng dụng đạt trên 2,3 triệu người; Đã tiếp nhận trên 17 nghìn phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, từ ngày 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô).
Thời gian tới, iHanoi được bổ sung các tiện ích: Khảo sát ý kiến người dân; tiếp nhận kiến nghị cử tri; tra cứu điểm đỗ xe và đặt chỗ trước, thanh toán; tra cứu dịch vụ tuyến xe buýt; tra cứu sổ liên lạc điện tử, tuyển sinh đầu cấp; dịch vụ thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại; nâng cấp tính năng tin tức Hà Nội… Đặc biệt, tài khoản số của công dân sẽ tạo lập duy nhất và áp dụng cho tất cả các ứng dụng, tiện ích, dịch vụ phát triển trên môi trường điện tử của Thủ đô.
Ngoài ra, Đề án 06 cũng đạt được những thành công nổi bật trong lĩnh vực giao thông. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến cuối năm 2024, 360 bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng công nghệ hiện đại giúp giảm thời gian xử lý và tăng cường tính minh bạch. Trong số đó, 192 bãi áp dụng công nghệ quét mã xe máy và 168 bãi áp dụng công nghệ quét mã ô tô, mang lại sự thuận tiện đáng kể cho người dân.
Một lĩnh vực khác cũng đạt được nhiều tiến bộ là giáo dục. Thành phố đã triển khai thí điểm Học bạ số cấp Tiểu học và đạt tỷ lệ hoàn thành 97,6%. Đặc biệt, Hà Nội đã dẫn đầu toàn quốc trong việc triển khai học bạ số, tạo nền tảng vững chắc cho việc nhân rộng mô hình này ở cấp Trung học từ năm học 2024-2025.
Nhìn lại kết quả chung trong thực hiện đề án 06, có thể thấy lực lượng Công an ở 04 cấp với vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, nghiêm túc, tiến độ nhanh, có kết quả cụ thể, rõ ràng.
Tập trung khắc phục khó khăn, thách thức
Theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn một số khó khăn thách thức đặt ra trong chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội. Đó là thực tế hạ tầng số mặc dù phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của kinh tế số. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành với dữ liệu quốc gia chưa đầy đủ mà nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thông tin chưa đồng bộ, đồng thời, tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước còn thấp. Vấn đề bảo mật thông tin còn nhiều thách thức.
Nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Đặc biệt là nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin, kỹ thuật. Nhân lực được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm còn thiếu.
Bên cạnh đó, tâm lý ngần ngại của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng người cao tuổi, đối với các giải pháp công nghệ mới cũng là rào cản lớn, nhiều người vẫn quen với các giao dịch truyền thống và không sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng công nghệ số.
Một thách thức khác là vấn đề kinh phí. Việc đầu tư và duy trì các giải pháp công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Đối với các đơn vị nhỏ lẻ, đây thực sự là một gánh nặng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Chẳng hạn, theo Sở Giao thông Vận tải, chi phí đầu tư thiết bị công nghệ cho các bãi đỗ xe hiện nay chiếm tới 5% tổng doanh thu, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động.
Hơn nữa, việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa các hệ thống cơ quan nhà nước cũng gặp không ít trở ngại. Một số hệ thống vẫn hoạt động độc lập, dẫn đến tình trạng trùng lặp hoặc thiếu sót thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý và cung cấp dịch vụ công.
Một số Bộ, ngành Trung ương chưa hoàn thành việc công bố danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, thành phố gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện .
Nhìn chung, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đề án 06 đã chứng minh được tính hiệu quả và tiềm năng to lớn trong việc nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và phục vụ người dân. Trên cơ sở kết quả triển khai Đề án 06, Hà Nôi đã đề ra những nhiệm vụ lớn với sự quyết tâm và nỗ lực để tiếp tục đạt được những bước tiến mới trong năm 2025.
Minh Anh