Giúp doanh nghiệp công nghiệp chủ lực hội nhập

20/12/2022 11:39 AM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Giúp doanh nghiệp công nghiệp chủ lực hội nhập - Ảnh 1.

Hà Nội đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh: VGP

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay

Mới đây, tại Chương trình "Cafe Doanh nhân số 3/2022" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức, đại diện Công ty sữa Ba Vì bộc bạch, sau thời gian sản suất bị đình trệ với tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất mới, tuy nhiên, công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư dây chuyền sản xuất.

"Công ty mong muốn được Thành phố hỗ trợ, tạo cơ chế đặc thù riêng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực" đại diện Công ty sữa Ba Vì nói.

Với kinh nghiệm gần 20 năm hoạt động trong linh vực nông nghiệp, ông Nghiêm Xuân Toàn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH nâng tầm giá trị Việt cho rằng, Thành phố nên thành lập một số cụm sản xuất nông nghiệp sản phẩm hữu cơ gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.

"Thành phố nên tạo mũi nhọn cho ngành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là chế biến sản phẩm hữu cơ, có chính sách hỗ trợ cho sản xuất chế biến. Công ty xin phối hợp và tiên phong trong vấn đề này để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ cho Thành phố để có khu vùng sản xuất cũng như sinh thái, có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao hơn" ông Toàn nhìn nhận.

Theo tổng hợp của HPA, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn tại ngân hàng thương mại, tuy nhiên nhiều ngân hàng báo hết hạn mức tín dụng ("room" tín dụng). Bên cạnh đó, doanh nghiệp khoa học công nghệ gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ…

Các doanh nghiệp cũng đã nêu kiến nghị mong muốn Thành phố tăng cường cơ chế để kết nối doanh nghiệp với các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu hoặc tận dụng kết quả nghiên cứu do Nhà nước đầu tư để ứng dụng thành tựu khoa học vào thực tế, góp phần giảm chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp…

Tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ

Trả lời những vướng mắc của doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố cho biết, từ 2019 đến nay, kết quả khảo sát cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp khoa học công nghệ đến nguồn vốn vay từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ là không lớn, chủ yếu quan tâm đến các nguồn hỗ trợ, tài trợ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng thời, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ có thể tiếp cận, vay vốn từ nguồn vốn điều lệ của Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố đối với các dự án thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ. Đề nghị doanh nghiệp báo cáo cụ thể các vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (về điều kiện cho vay, lãi suất cho vay...) để Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố có cơ sở giải đáp cụ thể ý kiến của doanh nghiệp.

Theo ý kiến của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND gồm một số chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đơn vị nghiên cứu. Ngoài ra, doanh nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ tham gia, đề xuất, đặt hàng và phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là các dự án sản phẩm sản xuất thử nghiệm, ứng dụng và hoàn thiện công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm mới, có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường với giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu tương đương, về sở hữu trí tuệ, hiện nay đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và Hà Nội nói riêng, tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội.

Với mong muốn tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường châu Âu của doanh nghiệp; Sở Công Thương cho rằng, đối với khu vực thị trường châu Âu, một trong các giải pháp phù hợp nhất khi doanh nghiệp chưa tự hạ được giá thành sản phẩm là tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) để nâng cao sức cạnh tranh mại tự do Việt Nam Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tiêu thụ vào các thị trường này.

Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra sản phẩm tại các thị trường tiêu thụ khác, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CP TPP, RCEP…

Diệu Anh

Top