Giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn
(Chinhphu.vn) - Từ nay tới cuối năm, TP. Hà Nội tiếp tục các giải pháp miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, miễn giảm hoặc gia hạn, giãn đóng một số loại phí về bảo hiểm xã hội…để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn hiện tại.
Theo thống kê, quý III năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Thủ đô ước tính tăng 6,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực dịch vụ tăng 7,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,21%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,15%. Từ kết quả này, tính chung 9 tháng năm 2023, GRDP của Thành phố ước tính tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước là rất tích cực.
Khu vực dịch vụ ước tăng 7,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 4,57%, còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5%.
Giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước và hằng tháng đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Tính đến ngày 20/9, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công là gần 23.500 tỷ đồng đạt 44,2% kế hoạch Thành phố đề ra.
Một kết quả cũng rất ấn tượng là Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn FDI trong 9 tháng 2023 của cả nước và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng qua, tổng khách du lịch tới Hà Nội tăng hơn 36%, du khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 4 lần, doanh thu đạt gần 70 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 67% với cùng kỳ năm trước...
Đặc biệt, dự kiến đầu năm 2024 có ít nhất 5 doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư trực tiếp vào Hà Nội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Để có những kết quả trên, TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo hoàn thành hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình; đa dạng hóa nguồn vốn, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn và các nhà đầu tư khác tham gia vào dự án lớn của Thành phố…
Mới đây, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã ký ban hành Quyết định số 4097/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đang và sẽ được các cơ quan chức năng của Thành phố triển khai.
Từ nay tới cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của TP. Hà Nội vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, miễn giảm hoặc gia hạn, giãn đóng một số loại phí về bảo hiểm xã hội để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn hiện tại.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, trong 9 tháng năm 2023, tình hình có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Trên thế giới, tăng trưởng giảm, lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao; các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp. Trong nước, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
"Những giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công, các dự án, công trình lớn, trọng điểm và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội là rất kịp thời và quan trọng; vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động tại các địa phương và giải ngân nguồn vốn cho các dự án", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp, phía Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi; rà soát, phân loại dự án bất động sản, để có các biện pháp xử lý phù hợp...
Cùng với đó khơi dậy nội lực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao; tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia và liên kết phát triển chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế…
Bản thân các doanh nghiệp cần đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, theo hướng quản trị hiện đại, đồng thời, nâng cao bản lĩnh và năng lực phản ứng thị trường, chủ động nắm bắt cơ hội và các phương án thích ứng với những biến động nhanh, khó lường...
Có thể nhận thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay, khó khăn liên tục tác động đến mỗi doanh nghiệp. Dẫu vậy, trên thực tế, vẫn có nhiều đơn vị biết phát huy nội lực, phát hiện ra cơ hội mới và có sức sáng tạo nên trụ vững, hơn thế là tìm được phương cách nhằm sớm phục hồi, đa dạng hóa giải pháp kinh doanh để phát triển mạnh hơn…
Diệu Anh