Gỡ khó để doanh nghiệp Thủ đô tiếp cận nguồn vốn

20/08/2022 8:16 AM

(Chinhphu.vn) - Sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt rất “khát” nguồn vốn để khôi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước cũng như phía ngân hàng.

Gỡ khó để doanh nghiệp Thủ đô tiếp cận nguồn vốn  - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Doanh nghiệp 'khát' vốn

Năm 2022, tình hình quốc tế dự báo có những thuận lợi, khó khăn thách thức, gây tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, thương mại, tài chính, chuỗi cung ứng và sản xuất kinh doanh toàn cầu; thị trường tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, áp lực lạm phát; khu vực các doanh nghiệp tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn cung và cầu do tác động của dịch COVID-19, thiếu hụt lao động; xung đột quân sự Nga-Ucraina tiếp tục làm gián đoạn, hạn chế hơn nguồn, chuỗi cung ứng hàng hóa; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao…

Nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và phục hồi sau COVID- 19, các bộ, ngành Trung ương đã nỗ lực trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ lãi xuất các khoản vay, gia hạn nộp thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất.

Tuy nhiên, một số chính sách trong chương trình phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp tỷ lệ giải ngân còn thấp, tình hình xây dựng một số văn bản hướng dẫn còn chưa bảo đảm tiến độ yêu cầu đề ra, chưa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp vào thời điểm cần thiết; việc tiếp cận của doanh nghiệp với các chính sách tín dụng, các chính sách hỗ trợ khác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp nữ quy mô nhỏ chiếm đa số, ngoài ra là doanh nghiệp nữ mới khởi nghiệp. Các khó khăn sau đại dịch với doanh nghiệp do nữ làm chủ là rất lớn, đặc biệt eo hẹp về tài chính.

Trong khi các doanh nghiệp nữ quy mô vừa, hoạt động từ 10 năm trở lên đều có ngân hàng, tổ chức tài chính hỗ trợ, nên định mức của ngân hàng với doanh nghiệp đó cũng không sử dụng hết. Ngược lại, với các doanh nghiệp nhỏ, cực nhỏ, khởi nghiệp thì lại rất cần, rất thiếu.

Hơn nữa, với các doanh nghiệp nhỏ, việc xây dựng đề án đáp ứng yêu cầu của ngân hàng cho vay không phải là dễ. "Với nhiều yêu cầu để được vay vốn của một số Quỹ, ngân hàng như hiện nay thì dường như không doanh nghiệp nhỏ nào vay được", bà Hà nói.

Bà Nguyễn Thị Vinh Hạnh, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Văn, Tân Ước (đại diện 43 chủ đầu tư Cụm công nghiêp trên địa bàn thành phố Hà Nội) thừa nhận rằng, họ có nhu cầu vốn rất lớn để triển khai dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vay vốn, do chính sách thay đổi liên tục, như chuyển tiền thuê đất từ 1 lần sang hằng năm.

"Như vậy, nguy cơ có thể bị phá sản khi chúng tôi đã bỏ vào 1.500 tỷ đồng để triển khai hạ tầng khu công nghiệp. Nhưng đến giờ phút này thu hút đầu tư trên địa bàn rất khó vì họ biết chính sách thay đổi, họ sẽ không vay được vốn ngân hàng nên họ không vào đầu tư", bà Hạnh e ngại.

Cùng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc khối kênh bán hàng và phân phối, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho hay, trong quá làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ phía ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn, do đó, mong muốn các doanh nghiệp, các hiệp hội chia sẻ khó khăn cùng với các ngân hàng.

"Khi tiếp cận với các doanh nghiệp để tiếp cận với các gói tín dụng, đặc biệt là các gói tín dụng tín chấp thì sự minh bạch trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Để đồng hành cùng nhau, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các Hội, Hiệp hội cần tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch để các tổ chức tín dụng có được các thông tin đánh giá năng lực tài chính, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp. Và từ đó có thể phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp", ông Nguyễn Trọng Tĩnh chia sẻ. Đồng thời nhấn mạnh việc cùng nhau chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu hơn các yêu cầu từ các doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng các giải pháp thực sự mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội khẳng định, phía ngân hàng luôn luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp cần ngân hàng. Đây là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên.

Trước những khó khăn vướng mắc của các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay và những mong muốn của doanh nghiệp… ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, quan điểm chung của các ngân hàng là cùng nhau giải quyết bài toán khó khăn, đó là vừa giữ được lãi suất vừa kiềm chế lạm phát. Quan điểm là giữ mức lãi suất hiện tại và tìm cách tiết giảm chi phí. Đó là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng…

Về phía cơ quan nhà nước, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, thông qua các hiệp hội lớn trên địa bàn TP. Hà Nội như Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Thành phố, Hội Nữ doanh nghiệp Hà Nội, Hội thủ công mỹ nghệ Hà Nội… nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp hội viên và gửi đến Sở Công Thương. Từ đó tổng hợp gửi phía ngân hàng thông qua các hệ thống thương mại, tín dụng để hai bên có thể tiếp cận với nhau một cách nhanh nhất. Doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với nguồn vốn đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

 "Chính sách của ngân hàng cũng cần phải làm ngay và luôn để cùng đồng bộ triển khai khớp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Như vậy sẽ đáp ứng hài hoà chủ trương nhà nước ban hành ra đến được với cuộc sống của người dân và doanh nghiệp", bà Lan đề xuất.

Thùy Linh

Top