Gỡ khó trong cải tạo chợ dân sinh
(Chinhphu.vn) - Chợ dân sinh không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ đã xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn xây dựng, không đáp ứng tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại. Trong khi đó, một số chợ đã cải tạo theo mô hình kết hợp trung tâm thương mại lại hoạt động không hiệu quả.
Nhiều chợ dân sinh đã xuống cấp, khó bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh. Ảnh: Diệu Anh |
Vẫn còn nhiều bất cập
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 455 chợ đang hoạt động, với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm khoảng 60% lưu lượng hàng hóa trên địa bàn, góp phần tích cực phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, hệ thống chợ của Hà Nội do nhiều yếu tố tác động, dẫn đến xuống cấp, thậm chí nhiều chợ lụp xụp, cảnh quan nhếch nhác, quá tải, rất khó bảo đảm được các yêu cầu về an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại.
Khảo sát của phóng viên tại một số chợ như: Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Thành Công (quận Ba Đình),… hay các chợ dân sinh trên phố Trại Găng, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng)…cho thấy, hầu hết cơ sở vật chất đều bị xuống cấp, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… Hàng hóa bày la liệt ra vỉa hè, thậm chí cả xuống lòng đường, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ách tắc giao thông… Bên cạnh đó còn có tình trạng chợ tạm, chợ “cóc” tồn tại, ảnh hưởng đến diện mạo và trật tự đô thị.
Chị Đỗ Thị Hoa (trú tại Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng) thường xuyên đi chợ tạm trong khu Bách Khoa cho biết, khu chợ nhỏ, mặt hàng phong phú. Tuy nhiên, do đã tồn tại hơn 20 năm, những sạp hàng xây dựng thô sơ, lợp mái pờ lô xi măng ẩm thấp.
Hay như ở một số chợ chưa có điều kiện cải tạo, các quầy kinh doanh thịt gia súc bày bán trên bàn gỗ không bảo đảm vệ sinh thực phẩm; nền chợ tại khu kinh doanh gia cầm, thủy hải sản tươi sống ẩm thấp, thường xuyên đọng nước… Điển hình tại chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), mặc dù quầy hàng bán thịt tươi sống được ốp bằng vật liệu inox, nhưng dưới nền chợ nước đọng thành vũng do thiếu hệ thống thoát nước, dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể thấy thời gian qua, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chợ trên địa bàn, chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng tại nhiều quận, huyện chưa kịp thời làm nảy sinh nhiều bất cập.
Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra. Nhưng, do nhiều khó khăn, nhất là về vốn, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, tiểu thương không chấp nhận giá thuê mặt bằng cao... là lý do khiến chợ dân sinh vẫn chưa được “lột xác”. Để rồi, tại rất nhiều chợ vẫn còn đó những mối lo về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy...
Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, do ngân sách địa phương có hạn, doanh nghiệp thờ ơ vì quy mô dự án nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, đặc biệt, trong quá trình triển khai thường gặp phản ứng không đồng thuận của tiểu thương. Đối với các chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, trong quá trình kinh doanh, khai thác chợ với mục tiêu bảo đảm dân sinh, các đơn vị gặp khó khăn trong việc tăng giá sử dụng diện tích bán hàng để bảo đảm các chi phí, đặc biệt là mức giá thuê đất cao, dẫn đến phải bù lỗ và nợ tiền thuê đất…
Từ mô hình cải tạo chợ Long Biên, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên (quận Ba Đình) Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Trước mắt có thể cải tạo từng phần để bảo đảm phòng, chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã ban hành. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các ý tưởng đầu tư chợ có thể được hiện thực hóa. Đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý trực thuộc TP. Hà Nội lập các kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, kêu gọi đầu tư mới về phát triển chợ, giải tỏa các chợ không phù hợp với quy hoạch… phát triển hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại hơn.
Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ cũng như nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn từng địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã… sẽ lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ cho từng giai đoạn 5 năm và hằng năm đối với tất cả các hạng chợ để trình cấp có thẩm quyền thành phố Hà Nội quyết định hoặc quyết định theo chức năng, thẩm quyền được phân cấp.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội về định hướng đầu tư công và một số nội dung về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu, trong giai đoạn tới, cụ thể đến năm 2021, phải giải quyết được việc cải tạo, đầu tư 50% các chợ trên địa bàn Thành phố.
Diệu Anh