Gỡ ‘nút thắt’, tạo điều kiện đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp

06/04/2024 7:51 AM

(Chinhphu.vn) - Các sở, ban, ngành, địa phương của Hà Nội cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể, mạng lưới các cụm công nghiệp cũ, điều chỉnh về quy hoạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất…

Gỡ ‘nút thắt’, tạo điều kiện đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%.

Năm 2023, các khu công nghiệp đã thu hút được 10 dự án mới; 20 dự án mở rộng. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.

Đối với cụm công nghiệp, đến nay trên địa bàn Thành phố đã có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Thành phố cũng đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp và đang tổ chức thẩm định thành lập 25 cụm công nghiệp với diện tích 288ha.

Còn vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trong quá trình đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố có phát sinh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ; thủ tục về đất đai phức tạp (chuyển đổi đất lúa, giao đất, cho thuê đất, tính giá đất... ); người dân chưa đồng thuận giải phóng mặt bằng. Việc điều chỉnh quy hoạch, dự án nhiều lần cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai...

Vừa qua, tại Hội nghị "Đối thoại gỡ khó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội", bà Phạm Thùy Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Hanel Mirolin, chủ đầu tư Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) kiến nghị, hầu hết chủ đầu tư cụm công nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, nên UBND Thành phố cùng các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần thay vì trả hằng năm.

Theo bà Phạm Thùy Trang, khi doanh nghiệp trả tiền một lần thì đó là tài sản được hạch toán, đủ điều kiện thế chấp vay ngân hàng. Còn khi doanh nghiệp trả tiền hằng năm, doanh nghiệp chỉ thế chấp được tài sản trên đất.

Còn ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Hưng Tiến, Chủ đầu tư 2 dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, xã Dị Nậu và dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn trên địa bàn huyện Thạch Thất mong muốn, Thành phố cùng các sở ngành và huyện Thạch Thất tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng triển khai Dự án.

"Công ty cam kết sẽ tập trung nguồn lực để bảo đảm thực hiện dự án một cách tốt nhất", ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp phép xây dựng, thủ tục thành lập cụm công nghiệp; bảo đảm cấp điện ổn định…

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công nghiệp

Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP. Hà Nội đã giao đất từng đợt đối với những cụm công nghiệp gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng, rút ngắn thời gian đầu tư dự án, sớm đưa vào khai thác…

Ngoài ra, các sở, ngành phải thường xuyên hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp. Các địa phương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan… hỗ trợ doanh nghiệp khởi công dự án sớm nhất.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh chỉ đạo Sở Công Thương giải quyết ngay vướng mắc trong cấp điện cho doanh nghiệp bảo đảm sản xuất. Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội phải có phương án khắc phục, dứt khoát không được để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

"Trong định hướng giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050", Thành phố dự kiến phát triển thêm 9 khu công nghiệp, với diện tích hơn 2.900ha", Chủ tịch UBND Thành phố nêu.

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể, mạng lưới các cụm công nghiệp cũ, điều chỉnh về quy hoạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.

Các cấp, ngành cùng UBND Thành phố hướng tới một cửa liên thông, minh bạch để các nhà đầu tư hiểu rõ quy trình hoàn tất thủ tục.

Hà Nội phấn đấu hết năm 2024 khởi công 43/43 cụm công nghiệp. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án thứ phát vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại 13 cụm công nghiệp đã khởi công xây dựng năm 2021-2023; 2 khu công nghiệp đang triển khai chuẩn bị đầu tư hạ tầng; 3 khu công nghiệp đang thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư; 1 khu công nghiệp đã được Thủ tướng quyết định thành lập.

Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã để hoàn thiện phương án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; đồng thời, rà soát các quy định của thành phố để tham mưu, xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, huy động các nguồn lực xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…

Để khắc phục những vướng mắc, UBND Thành phố cũng đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố khắc phục các tồn tại. Đồng thời ban hành Nghị quyết 01-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố tháo gỡ kịp thời các vướng mắc qua đó thúc đẩy nhanh tiến độ khởi công các cụm công nghiệp; Ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND của UBND Thành phố quy định rõ ràng cụ thể trách nhiệm của từng sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, đảm bảo sự thống nhất và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

Khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm các cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh hiện đại…

Diệu Anh

Top