Gỡ từng 'nút thắt', thúc đẩy xây dựng các cụm công nghiệp
(Chinhphu.vn) - Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng… dẫn đến việc triển khai khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội bị chậm lại. Hiện Thành phố tháo gỡ từng "nút thắt"; đôn đốc, đẩy mạnh các giải pháp xây dựng các cụm công nghiệp Thủ đô.
Năm 2021, mới có 2/43 cụm công nghiệp được khởi công
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, năm 2021, TP. Hà Nội giao kế hoạch khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, mới có cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên) được khởi công, còn lại hầu hết đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Sở Công thương lý giải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là theo quy định, có trên 10ha đất lúa phải trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi, trong khi đó đến nay mới có 2/20 cụm có văn bản chấp thuận chủ trương.
Ngoài ra, còn có khó khăn do việc quy chủ, xác minh nguồn gốc đất, một số hộ xây dựng công trình trên đất nông nghiệp chưa được xử lý nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án…
Phát triển các cụm công nghiệp là chủ trương lớn của huyện Phúc Thọ với định hướng 13 cụm công nghiệp. Đến tháng 6/2020, UBND TP. Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư cho 6 doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện là Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Võng Xuyên.
Để sớm đưa các cụm công nghiệp đi vào hoạt động theo đúng chủ trương của thành phố và cụ thể hóa các mục tiêu của Đại hội đại biểu lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện, Phúc Thọ quyết tâm xây dựng huyện thành vành đai xanh, vùng quê trù phú và đáng sống.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Toàn bộ hệ thống chính trị của huyện đã luôn xác định phương châm "lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống làm cơ bản" tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để đẩy nhanh tiến độ triển khai các cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cũng cho rằng quá trình phát triển các cụm công nghiệp còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập, nổi bật là công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó nhất…
Hay như dự án cụm công nghiệp Song Phượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) được Thành phố yêu cầu khởi công trong năm 2022. Theo Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Anh Tùng, dự án có tổng diện tích thu hồi gần 69.000m2 đất, trong đó có gần 60.000m2 là đất 112 hộ dân đang sử dụng. Đến nay, UBND huyện Đan Phượng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của 54 hộ, cá nhân với diện tích gần 28.000m2. Chủ đầu tư dự án đã chi trả cho 39 hộ (diện tích gần 20.000m2).
"Ở dự án này còn khoảng 20 hộ gặp vướng mắc trong thu hồi đất do chủ sử dụng đất đã mất, sai thông tin về diện tích hoặc chưa phối hợp kê khai kiểm đếm", ông Tùng nói.
Còn tại huyện Gia Lâm, theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế, trên địa bàn huyện có dự án CCN Phú Thị giai đoạn 2 (diện tích 32,47ha) có hơn 10ha đất lúa, theo quy định cần có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. UBND huyện Gia Lâm đã có 2 văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhưng đến nay chưa có kết quả.
Tháo gỡ vướng mắc xây dựng cụm công nghiệp
Để có thể khởi công 41 cụm công nghiệp còn lại theo đúng tiến độ đề ra, các cấp, ngành, địa phương của thành phố cần thực hiện tốt Kế hoạch số 89/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn.
Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND Thành phố đã chỉ đạo để tháo gỡ từng "nút thắt" đang ảnh hưởng đến tiến độ khởi công xây dựng các dự án cụm công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế.
Một số cụm công nghiệp có tính đặc thù, còn khó khăn, vướng mắc có thể được xem xét xác định thời gian khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính…
Thực hiện kế hoạch của Thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đang triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là Sở sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ để UBND Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi đất lúa; cùng với đó là hoàn thiện ngay việc cấp giấy phép xây dựng với các cụm công nghiệp đủ điều kiện…
Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương xin điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các cụm công nghiệp đã hết hạn; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Về phía các địa phương, cùng với việc phối hợp tháo gỡ từng vướng mắc hiện hữu, cần đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các cụm công nghiệp theo thẩm quyền; cấp phép xây dựng đối với cụm công nghiệp đã đủ điều kiện, không được gây khó khăn cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có đất bị thu hồi xây dựng các cụm công nghiệp đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Diệu Anh