Gỡ vướng giải phóng mặt bằng, siết chặt quản lý đất đai: Vì một Thủ đô phát triển bền vững

10/05/2025 10:38 AM

(Chinhphu.vn) - Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội liên tục đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, các cụm công nghiệp, khu đô thị mới. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn trong quá trình triển khai các dự án lại nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Trước tình trạng này, thành phố Hà Nội đã xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết.

Hành động quyết liệt từ chính quyền cơ sở

Điểm sáng nổi bật trong công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng trong thời gian gần đây là việc các địa phương đã mạnh dạn ra quân xử lý vi phạm, kiên quyết lập lại kỷ cương.

Tại huyện Quốc Oai, sáng ngày 9/5, đồng loạt các xã trên địa bàn huyện Quốc Oai đã ra quân xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Chính quyền đã quyết liệt xử lý những công trình vi phạm đất đai, chủ yếu là nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Sự quyết liệt thể hiện qua việc các lực lượng chức năng triển khai cưỡng chế công khai, minh bạch, có kế hoạch rõ ràng, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Từ 7h30 sáng, xã Sài Sơn đã huy động gần 100 người gồm các ban, ngành, đoàn thể cùng phương tiện, máy móc tiến hành cưỡng chế 11 trường hợp, gồm: 5 trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, 5 trường hợp lấn chiếm đất công và 1 trường hợp vi phạm luật đê điều.

Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Nguyễn Thiên Mạch cho biết, trước khi tổ chức cưỡng chế, cấp ủy, chính quyền xã đã ban hành thông báo, tổ chức đối thoại và vận động người dân khắc phục sai phạm. Một số hộ dân đã tự tháo dỡ một phần công trình.

Gỡ vướng giải phóng mặt bằng, siết chặt quản lý đất đai: Vì một Thủ đô phát triển bền vững- Ảnh 1.

Giải tỏa, lấn chiếm đất công tại Quốc Oai. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Sau đợt cao điểm này, xã Sài Sơn tiếp tục duy trì kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay từ đầu các vi phạm phát sinh; đồng thời, xã chỉ đạo các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, để công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đi vào nền nếp.

Tại xã Hưng Đạo, lực lượng chức năng cũng quyết liệt xử lý, cưỡng chế 6 công trình vi phạm trên đất nông nghiệp. Tại buổi cưỡng chế, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ, giải tỏa toàn bộ hạng mục công trình có kết cấu khung thép, phía trên lợp mái tôn và quây tôn xung quanh. Đại diện lãnh đạo xã Hưng Đạo cho biết, từ nay đến ngày 12/5, lực lượng chức năng xã tiếp tục cưỡng chế 2 công trình vi phạm trên địa bàn.

Trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình cưỡng chế vi phạm của các xã, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn nhấn mạnh, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng phải được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và không có ngoại lệ. Việc xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng của các hộ dân là biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh ra quân cưỡng chế giải tỏa, huyện cũng yêu cầu các xã tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm từ sớm, từ xa để ngăn chặn ngay, tránh gây lãng phí cho nhân dân.

Ở huyện Hoài Đức, chính quyền huyện cũng đang tích cực rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa cho các cụm công nghiệp. Xã La Phù, An Khánh từng được coi là điểm nóng về vi phạm đất đai thì nay đã chuyển biến rõ rệt nhờ sự vào cuộc đồng bộ từ huyện tới xã. UBND huyện đã tổ chức các buổi kiểm tra thực địa, nắm chắc tình hình để có giải pháp phù hợp với từng trường hợp.

Không riêng gì Quốc Oai, huyện Thanh Trì cũng đã tổ chức kiểm tra đột xuất tại các điểm nóng vi phạm như trạm trộn bê tông Phong Cảnh ở xã Đại Áng, cụm làng nghề Tân Triều... Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý ngay tại hiện trường, yêu cầu không để xảy ra tình trạng tái vi phạm.

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong đề nghị các xã Tân Triều, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc phạm vi quản lý, tập trung tổng hợp, phân loại cụ thể từng trường hợp vi phạm theo từng giai đoạn, mức độ vi phạm để có kế hoạch và giải pháp xử lý phù hợp theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời không để phát sinh các công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng.

Tại huyện Mê Linh, trong ngày 8/5, dưới cái nắng 35-37 độ C Bí thư Huyện Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm trực tiếp làm việc với xã Văn Khê và động viên, tuyên truyền tới người dân xã này liên quan đến các vi phạm đất đai mới phát sinh.

Cũng trong ngày 8/5, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn làm việc với xã Thanh Lâm và kiểm tra tiến độ giải tỏa vi phạm tại xã Tiến Thắng. Theo đó, trên địa bàn xã Thanh Lâm được xác định có 6 vi phạm mới phát sinh. Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh chỉ đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phối hợp với UBND xã Thanh Lâm và xã Tiến Thắng nhanh chóng yêu cầu các hộ dân tháo dỡ các công trình vi phạm.

Cùng tinh thần đó, huyện Thanh Oai đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ phụ trách từng khu vực, nhằm bảo đảm xử lý vi phạm triệt để và không để phát sinh mới. Huyện cũng thành lập các tổ công tác đặc biệt để kiểm tra thường xuyên tình hình quản lý đất đai tại cơ sở.

Bảo đảm tính đồng bộ trong xử lý thủ tục và quản lý hiện trường

Sự chuyển biến trong công tác quản lý đất đai đến từ việc TP. Hà Nội đã chỉ đạo sát sao và yêu cầu rõ trách nhiệm. Tại cuộc họp triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ: "Tình trạng dự án chậm triển khai, lãng phí đất đai không chỉ làm ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn tác động đến hình ảnh đô thị văn minh. Phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, từ đó đưa ra giải pháp xử lý phù hợp".

Thành phố yêu cầu các địa phương phân loại rõ các dự án chậm tiến độ, xác định cụ thể vướng mắc do cơ chế, do giải phóng mặt bằng hay do năng lực nhà đầu tư, từ đó đề xuất thu hồi hoặc điều chỉnh quy hoạch. Thành phố cũng đang nghiên cứu cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các sở ngành, bảo đảm tính đồng bộ trong xử lý thủ tục và quản lý hiện trường.

Chuyên gia kinh tế đô thị Lê Minh Tùng đánh giá, Hà Nội đang đi đúng hướng. Việc tháo gỡ vướng mắc phải đi cùng với xử lý trách nhiệm cụ thể. Chính quyền không thể đứng ngoài cuộc khi có dấu hiệu buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở. Cách làm hiện nay là rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Để công tác quản lý đất đai đi vào chiều sâu, thành phố Hà Nội đã giao Thanh tra Thành phố chủ trì xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề về sử dụng đất đai, đầu tư công và các dự án chậm triển khai. Qua đó, không chỉ xử lý sai phạm mà còn phát hiện kẽ hở pháp lý, đề xuất hoàn thiện cơ chế.

Cùng với đó, Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý đất đai. Việc triển khai hệ thống bản đồ số, cơ sở dữ liệu địa chính giúp các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát toàn diện hiện trạng sử dụng đất, phát hiện sớm sai phạm và quản lý quy hoạch hiệu quả hơn.

Tại nhiều địa phương, hệ thống camera giám sát, dữ liệu GIS đã được sử dụng để kiểm tra, xác minh vị trí vi phạm mà không cần chờ báo cáo từ cơ sở. Đây là một bước tiến mạnh mẽ hướng đến quản lý hiện đại, minh bạch và kịp thời.

Hướng đến đô thị kỷ cương – văn minh – hiện đại

Công tác quản lý đất đai không đơn thuần là xử lý vi phạm hay giải tỏa mặt bằng, mà là bảo vệ tài nguyên quý giá của quốc gia, tạo nền tảng cho quy hoạch và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Hà Nội đang đặt mục tiêu đưa công tác này đi vào nền nếp, gắn chặt với trách nhiệm của hệ thống chính trị và đồng thuận của người dân.

Theo chuyên gia quy hoạch Nguyễn Văn Thịnh, cái gốc của mọi vấn đề vẫn là con người. Khi chính quyền quyết tâm, người dân đồng thuận, thì công việc dù khó đến đâu cũng giải quyết được. Hà Nội đang chứng minh điều đó bằng hành động cụ thể, từ thành phố tới xã, thôn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia phát triển đô thị nhấn mạnh, một đô thị hiện đại không thể có chỗ cho công trình trái phép, dự án treo hay sự lãng phí đất đai. Hà Nội đang thể hiện quyết tâm rất rõ ràng trong việc siết lại kỷ cương, minh bạch hóa quá trình phát triển.

Những chuyển biến tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng và xử lý vi phạm đất đai cho thấy Hà Nội không chỉ đang nói, mà đang làm rất quyết liệt, công khai và có trách nhiệm. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở, cùng với sự tham gia giám sát của người dân và ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là nền tảng quan trọng để Hà Nội phát triển đúng định hướng – trở thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Thùy Chi

Top