‘Gỡ’ vướng mắc, đẩy nhanh xây dựng các cụm công nghiệp

30/06/2022 10:41 AM

(Chinhphu.vn) - Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thành lập các khu, cụm công nghiệp mới để thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển sản xuất… là những giải pháp đã và đang được các địa phương, sở, ngành Hà Nội thực hiện.

‘Gỡ’ vướng mắc, đẩy nhanh xây dựng các cụm công nghiệp - Ảnh 1.

TP. Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ khởi công các cụm công nghiệp. Ảnh minh họa

Khó khăn về giải phóng mặt bằng

Mặc dù các cấp, các ngành của huyện Thanh Oai đã vào cuộc với quyết tâm cao để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp, nhưng thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, hầu hết khó khăn ở giai đoạn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; các thủ tục liên quan đến đất đai về giao đất, cho thuê đất... và trình cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất từ 10 ha đất trồng lúa để thực hiện dự án.

Cụ thể, đối với cụm công nghiệp Thanh Thùy (giai đoạn 2), chủ đầu tư gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với ngôi mộ Tổ họ Nguyễn Học (thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng), với diện tích 80 m2 chưa di chuyển được.

Đối với cụm công nghiệp Phương Trung, chủ đầu tư đang gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đợt 2 do có 2 hộ chưa đồng ý ký biên bản kiểm đếm (UBND xã đã mời lên làm việc nhưng các hộ dân không phối hợp); 1 hộ đã kí biên bản kiểm đếm nhưng có thành viên trong gia đình đang chưa đồng ý thu hồi; 4 hộ có khẩu ở địa phương khác nên khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc đất, nhân khẩu.

Trong khi đó, cụm công nghiệp Hồng Dương trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng, gặp vướng mắc sai lệch về diện tích, tên xứ đồng giữa sơ đồ giao, chia ruộng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số hộ dân không đồng tình với giá đền bù do đất của các hộ dân là đất % nên giá đền bù phải cao hơn.

Đối với huyện Đan Phượng, vẫn còn khó khăn về giải phóng mặt bằng như tại dự án Cụm công nghiệp Hồng Hà, xã Hồng Hà. Dự án có diện tích đất thu hồi 60.000m2. Đến nay, huyện đã ra thông báo thu hồi đất của 131/150 hộ, còn 19 hộ chưa ra thông báo do chủ hộ mất, chuyển nhượng đất không có giấy tờ, sai lệch diện tích…

Còn tại huyện Gia Lâm, theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế huyện, trên địa bàn huyện có dự án Cụm Công nghiệp Phú Thị giai đoạn 2 (diện tích hơn 32 ha) có hơn 10 ha đất lúa, theo quy định cần có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. UBND huyện Gia Lâm đã có 2 văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhưng đến nay chưa có kết quả…

Nhiều cụm công nghiệp dần được tháo gỡ khó khăn

Để gỡ khó trong xây dựng các cụm công nghiệp, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2022. Theo đó, TP. Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động. 

Đồng thời, phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020; thành lập, mở rộng 15 đến 20 cụm công nghiệp mới; bổ sung 4 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đang triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là Sở sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ để UBND Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi đất lúa; cùng với đó là hoàn thiện ngay việc cấp giấy phép xây dựng với các cụm công nghiệp đủ điều kiện…

Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương xin điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các cụm công nghiệp đã hết hạn; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan, TP. Hà Nội cũng đề nghị các chủ đầu tư tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ phát để phát huy hiệu quả của các dự án.

Mới đây, UBND huyện Thạch Thất đã tổ chức lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu. Dự án có tổng diện tích 10,7ha do Công ty cổ phần Hoàng Hưng Tiến làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 267,6 tỷ đồng, là vốn của chủ đầu tư, vốn huy động từ các nhà đầu tư thứ phát, vốn vay các tổ chức tín dụng. Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu có quyết định thành lập từ đầu năm 2019, nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các làng nghề trên địa bàn, phục vụ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Huyện Thường Tín cũng đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp Tiền Phong giai đoạn 2 (diện tích 8,1ha, tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng) và cụm công nghiệp Thắng Lợi (diện tích hơn 8,8ha, tổng mức đầu tư 142,3 tỷ đồng).

Huyện Đan Phượng khởi công xây dựng cụm công nghiệp Đan Phượng giai đoạn 2 với quy mô 6,8ha, tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng...

Có thể thấy rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố cùng sự đôn đốc, trách nhiệm của các địa phương, các sở, ngành, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn dần dần tháo gỡ được vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư…

Diệu Anh

Top