Gỡ ‘khó’ cho doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng

20/01/2021 3:13 PM

(Chinhphu.vn) – Trong lĩnh vực quản lý năng lượng, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang triển khai nhiều hoạt động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính công trong lĩnh vực điện; tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển lưới điện truyền tải và xây dựng, cải tạo lưới điện phân phối của Thành phố;…

Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh minh họa

Trong những năm qua, Sở Công Thương Hà Nội luôn chỉ đạo, khuyến khích, thúc đẩy, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xây dựng kế hoạch quản lý nhu cầu điện nhằm cắt giảm phụ tải đỉnh, điều hòa phụ tải ngày, mùa, năm nhằm giảm áp lực cho lưới điện.

Đồng thời, tăng cường công tác ngầm hóa lưới điện, kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, quản lý chất lượng công trình, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, phân phối hệ thống điện nhằm xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại kết cấu hạ tầng điện của Thủ đô; thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính công trong lĩnh vực điện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp Thành phố.

Theo đó, các chỉ tiêu cung cấp điện năm 2020 đạt được như sau: Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 20,063tỷ kWh (tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19); công suất sử dụng điện lớn nhất điển hình đạt 4.435 MW; tỷ lệ tổn thất điện năng phấn đấu dưới 3,7%; giảm thiểu 66/139 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; thời gian mất điện bình quân lưới điện trung áp (SAIDI) cả năm dự kiến khoảng 179,26 phút, giảm 25,51 phút so với năm 2019.

Để đồng hành cùng cả nước chống dịch COVID-19, thoát khỏi giai đoạn khó khăn chung, nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế, đời sống xã hội của người dân, ngành điện đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho các đối tượng khách hàng sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, cơ sơ lưu trú du lịch, bán buôn điện nông thôn, khách hàng bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, bán buôn cho tổ hợp thương mại-dịch vụ-sinh hoạt, bán buôn điện cho chợ, điện khu công nghiệp, cơ sở phòng chống dịch… theo đúng hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Lũy kế đến 31/7/2020, ngành điện Thủ đô đã miễn, giảm tiền điện cho gần 2,5 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền giảm trừ gần 900 tỷ đồng. 

Trao đổi với phóng viên, bà Trần thị Phương Lan, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với việc quan tâm, thúc đẩy đầu tư công trình điện theo Quy hoạch, hệ thống điện Thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc, lưới điện ngày càng được mở rộng và hoàn thiện với tiêu chí cấp điện cao, chất lượng điện năng được cải thiện đáng kể, nhất là khu vực nông thôn.

Đối với lĩnh vực quản lý năng lượng, Sở có nhiều hoạt động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp trên thế giới. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, quận, huyện liên quan, tham mưu tổ chức họp và ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng công trình điện trọng điểm, cấp bách trong đó có một số dự án điển hình như: Đường dây 220kV Long Biên-Mai Động, trạm biến áp 110kV Minh Khai và nhánh rẽ, trạm biến áp 110kV Khu công nghiệp Đông Anh, công trình đường dây 500/200KV Nho Quan-Phú Lý-Thường Tín qua huyện Phú Xuyên…Tham mưu, trình UBND Thành phố phê duyệt danh sách phụ tải điện quan trọng để ngành điện tổ chức bảo đảm ưu tiên cung cấp điện theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo, giám sát việc bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định liên tục cho mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện áp hỗ trợ giảm giá tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính công trong lĩnh vực điện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp Thành phố.

Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển lưới điện truyền tải và xây dựng, cải tạo lưới điện phân phối của Thành phố đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, chất lượng điện năng không ngừng được nâng cao.

Cùng với đó, xây dựng chương trình chuẩn bị cho công tác quản lý, hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh dự kiến đến năm 2023 trên địa bàn TP. Hà Nội. Khuyến khích, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện dự án điện rác, điện sinh khối; các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà…

Thùy Linh

Top