Gốm Bát Tràng: Thương hiệu gắn với bề dầy văn hóa
(Chinhphu.vn) – Gốm sứ Bát Tràng là thương hiệu ít nhiều được thị trường nội địa biết đến bởi bề dầy lịch sử và văn hóa của mảnh đất này. Tuy nhiên, để thương hiệu ấy hoàn thiện và tự tin lên đường “xuất ngoại” thì cần một sự đầu tư dài hơn hơn nữa để mỗi người tiêu dùng cầm trên tay sản phẩm gốm sứ Bát Tràng có được cảm giác đang chạm đến được một nền văn hóa đặc sắc.
|
||
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Cần có nét đặc trưng và sự chuyên nghiệp
Gốm Bát Tràng mang đậm dấu ấn của một làng nghề truyền thống lâu đời của Hà Nôi và ngày càng được du khách và người tiêu dùng yêu thích. Làng nghề truyền thống này đã có nguồn gốc từ cuối thời Lý- Trần với nghề sản xuất gốm từ đất sét trắng.Nhiều nghệ nhân làm gốm có kinh nghiệm gia truyền bao đời,với bàn tay khéo léo và sự đam mê đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Theo họa sĩ Bùi Hoài Mai, các sản phẩm của gốm sứ Bát Tràng hiện nay đều là những mặt hàng rất quen thuộc với các thị trường như: Mỹ, Đức, Hà Lan… Chính những nhà đầu tư tư nhân ở các nước này đều đã khẳng định rằng mẫu mã, chất liệu và giá cả các sản phẩm từ Bát Tràng đều không đặc biệt hơn so với Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên gốm sứ Bát Tràng có những cái riêng mà làm họ không “cưỡng” lại được.
Theo lý giải của Họa sĩ Bùi Hoài Mai thi thị trường Trung Quốc là thị trường của quá nhiều các sản phẩm hàng nhái, không nhiều bản sắc. Các sản phẩm của họ chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định chứ không như các sản phẩm của nước ta, có bản sắc riêng, lịch sử văn hiến riêng mà không một quốc gia nào có được.
Tuy nhiên, mặt hàng gốm sứ của họ lại sôi động và thu hút hơn thị trường của nước ta. Hiện nay các cửa hàng kinh doanh gốm sứ truyền thống Bát Tràng mọc lên ngày càng nhiều, nhưng tiềm ẩn trong đó lại là công việc kinh doanh cạnh tranh chưa thực sự văn hóa.
Đi sâu vào làng nghề truyền thống Bát Tràng, du khách có thể thấy hầu hết các sản phẩm gốm sứ có mặt tại các quầy buôn bán đều mang mẫu mã giống hệt nhau, không có gì khác biệt mà vẫn ganh đua nhau buôn bán, mời chào. Chủ cửa hiệu buôn bán đồ gốm tại Bát Tràng có khi còn không thể tự giải thích được rằng sản phẩm họ đang bán tượng trưng cho điều gì, giá trị truyền thống như thế nào mà vẫn hồn nhiên kinh doanh. Điều này, khiến cho du khách trong nước và quốc tế không khỏi băn khoăn rằng: “Vậy bản sắc truyền thống lâu đời nằm ở đâu?”
Theo ý kiến chung của nhiều người, hiện nay làng nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng vẫn chưa có những quy hoạch cụ thể, rõ ràng. Có không ít những du khách thập phương khi tới Bát Tràng đều thông qua việc giới thiệu hoặc bản đồ địa lý chứ không hề biết qua các trang mạng xã hội hay trang thông tin điện tử của Bát Tràng.
Cơ sở vật chất tại đây cũng chưa được đầu tư đúng mức cần thiết. Đến Bát Tràng với nhiều mục đích khác nhau như tham quan, mua sắm và trải nghiệm nền văn hóa truyền thống thông qua những sản phẩm của Bát Tràng, nhưng các du khách lại gặp quá nhiều rào cản về dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng và các khu vệ sinh công cộng chưa đầy đủ. Nhiều nhà doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài ngỏ ý muốn đầu tư vào khai thác, phát triển các sản phẩm truyền thống của Bát Tràng, nhưng nhận thấy nơi đây còn tồn tại rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy, họ đã không dám tiến sâu thêm trong quá trình hợp tác lâu dài với Bát Tràng.
Kết hợp đương đại với truyền thống vào sản xuất
Gốm sứ Bát Tràng đẹp và chất lượng không thôi chưa đủ, quan trọng là nhu cầu của người sử dụng, điều mà du khách cần khi đến đây thì Bát Tràng lại chưa làm được.
Thực tế hiện nay, để hội nhập thành công và bền vững, các làng nghề truyền thống phải thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa, quy hoạch lại để cùng thống nhất một hệ thống giải pháp phát triển làng nghề. Và làng nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng cũng không nằm ngoài những thách thức đó.
Mới đây, trong một cuộc tọa đàm tìm giải pháp quảng bá sản phẩm gốm sứ Bát Tràng ở trong nước và quốc tế đã, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng: Trước mắt sản phẩm của Bát Tràng cần đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người mua, sau đó là phải biết kết hợp giữa nghệ thuật đương đại với nghệ thuật truyền thống vào khâu sản xuất. Và những nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng cũng cần không ngừng học hỏi, áp dụng những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật hiện nay vào khâu sản xuất, quảng bá, phát triển thương hiệu cho làng nghề.
Nói một cách cụ thể hơn, gốm sứ Bát Tràng phải đặc biệt chú trọng tới khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm giúp thị trường dễ dàng nhận diện sản phẩm của làng nghề; đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông vào hỗ trợ cho khâu lưu thông sản phẩm. Làm được như vậy, thị trường gốm sứ Bát Tràng mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế như hiện nay.
Trải qua gần 700 năm nay, làng nghề này vẫn giữ tên là Bát Tràng. Trong lịch sử, những loại gốm quý và độc đáo của nước ta, nổi tiếng cả trong và ngoài nước như gốm men ngọc, gốm hoa nâu hay gốm men nâu, gốm men... đều đã được sản xuất ở Bát Tràng. Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Có thể nói, gốm sứ Bát Tràng là một trong những mặt hàng được người nước ngoài ưa chuộng.
Theo số liệu thống kê, hàng năm, có trên 10.000 lượt khách quốc tế và trên 50.000 khách du lịch trong nước đến Bát Tràng. Nhưng con số này không đơn thuần nói lên tiềm năng phát triển kinh tế của một làng nghề, đó còn là dấu hiệu cho thấy lịch sử có thể lặp lại với gốm sứ Bát Tràng một khi sản phẩm gốm không chỉ là những vật phẩm kinh tế hay vật phẩm phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của dân cư mà nó trở thành những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc.
Nguyễn Thắng