Hà Nội sau 70 năm giải phóng: Nỗ lực mạnh mẽ để phát triển bền vững

09/10/2024 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Suốt 70 năm qua (10/10/1954-10/10/2024), với nhiều cố gắng, nỗ lực, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

Hà Nội sau 70 năm giải phóng: Nỗ lực mạnh mẽ để phát triển bền vững- Ảnh 1.

Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội phát triển mới và diện mạo mới cho Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy

Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1054, công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ngày giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Thủ đô góp phần vào sự phát triển chung của cả nước

Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hà Tây, điều chỉnh diện tích tự nhiên, dân số của huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Mê Linh vào Hà Nội.

Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội phát triển mới và diện mạo mới cho Thủ đô. Trong 16 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi "mặt trận," đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Với quyết tâm đổi mới, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, chuyển mình theo hướng CNH-HĐH. Nhiều năm qua, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% (năm 2023), cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa.

Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.

Trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vào tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã nêu 10 điểm sáng của Hà Nội, trong đó Hà Nội đã tiếp tục giữ vững, phát huy đoàn kết, thống nhất theo tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"; từ đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".

Trong 10 điểm sáng của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ nhắc đến có kinh tế phục hồi, tăng trưởng được thúc đẩy. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội tăng 6%; bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Thủ đô

Còn trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương tổ chức ngày 8/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội, TPHCM đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93%, TPHCM đóng góp 25,45%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư xã hội, chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu hàng hóa, dịch vụ… đều có sự tăng trưởng.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD, đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD.
Hà Nội sau 70 năm giải phóng: Nỗ lực mạnh mẽ để phát triển bền vững- Ảnh 2.

Thủ đô rực rỡ trong dịp kỷ niệm 70 Năm Ngày giải phóng (10/10/1954-10/10/2024) - Ảnh: VGP/Gia Huy

Du lịch là điểm sáng của Thủ đô khi luôn duy trì đà tăng trưởng. Trong 9 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt trên 4,5triệu lượt, tăng 31,3%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngày 09/9/2024, Hà Nội đón nhận 03 giải thưởng "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á", "Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam" tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31.

Công tác đối ngoại của thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Hà Nội cũng là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn ngàn năm tuổi và được biết đến là "Thành phố di sản", là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước ban hành và thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực: văn hóa, giáo dục và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử với gần 50.000 tỷ đồng.

Hà Nội sau 70 năm giải phóng: Nỗ lực mạnh mẽ để phát triển bền vững- Ảnh 3.

Du lịch là điểm sáng của Thủ đô khi luôn duy trì đà tăng trưởng - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Trong nhiều năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội được cải thiện từng bước đã giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chia sẻ trong tọa đàm "Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững" mới diễn ra, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, trong thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để thu hút doanh nghiệp.

Về môi trường đầu tư, Hà Nội tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn nhiều địa phương trong cả nước; chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Do đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP. Hà Nội thu hút 1.165,3 triệu USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 120 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.036,5 triệu USD; 78 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 55,21 triệu USD và 104 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 73,6 triệu USD.

Còn trong 9 tháng năm 2024, Thành phố thu hút trên 1.540 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có 197 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.111,5 triệu USD; 143 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 220,7 triệu USD.

Để thu hút doanh nghiệp vào địa bàn Thủ đô, năm 2024, Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Thủ đô. Điều này thể hiện việc Thủ đô đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính, đi đầu cả nước thực hiện mô hình phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư.

Hà Nội sau 70 năm giải phóng: Nỗ lực mạnh mẽ để phát triển bền vững- Ảnh 4.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tích cực triển khai Luật Thủ đô, quy hoạch phát triển đô thị

Đặc biệt, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2025. Luật Thủ đô 2024 là một công cụ pháp lý vô cùng quan trọng, là nền tảng để Hà Nội khai thác tốt hơn tiềm năng của mình, tạo nên những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Luật Thủ đô sửa đổi đã có những giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế số, phát triển năng lượng tái tạo, và xây dựng những mô hình kinh tế mới, phù hợp với xu hướng quốc tế.

Để triển khai Luật Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế triển khai kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đề xuất xây dựng danh mục ban hành văn bản để tổ chức triển khai thi hành Luật, đã xác định tổng số văn bản cần ban hành là 114 văn bản (gồm 94 văn bản quy phạm pháp luật, 20 văn bản cá biệt).

Trong đó, có 33 văn bản quy phạm pháp luật, 6 văn bản cá biệt của HĐND, UBND Thành phố cần ban hành trong năm 2024; có 61 văn bản quy phạm pháp luật, 14 văn bản cá biệt của HĐND, UBND Thành phố cần ban hành năm 2025 và những năm tiếp theo.

Hiện nay, các sở, ngành của Hà Nội đang triển khai các nội dung xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô theo đúng yêu cầu của Thành phố về việc phải đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng chất lượng và yêu cầu tiến độ, phải sắp xếp, ưu tiên làm trước những nội dung có thể làm trước, làm ngay, có lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong 9 tháng đầu năm 2024, UBND Thành phố đã phê duyệt thêm 13 đồ án quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, nâng tổng số đồ án quy hoạch phân khu được duyệt lên thành 19/29 đồ án; đã phê duyệt tổng số 89 nhiệm vụ, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng.

Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 70 năm phát triển. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư đã góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư, hoàn thành các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

Về định hướng phát triển đô thị những năm tiếp theo, TP. Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.

Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hòa bình". 

Hà Nội đang tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế... Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Gia Huy


Top