Hà Nội: Bài bản trong vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

16/07/2025 6:53 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 15 ngày đầu chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, TP. Hà Nội đã thể hiện quyết tâm chính trị cao và sự đồng lòng với tinh thần chủ động, quyết liệt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học để mô hình chính quyền 2 cấp vận hành hiệu quả.

Hà Nội: Bài bản trong vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP/GH

Chiều 16/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội và trực tuyến đến 126 xã, phường.

Bố trí đủ cán bộ, công chức, bảo đảm hoạt động hành chính

Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, sau 15 ngày đầu chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã thể hiện quyết tâm chính trị cao và sự đồng lòng với tinh thần chủ động, quyết liệt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học. Công tác chuẩn bị không chỉ tập trung vào việc kiện toàn bộ máy, đảm bảo nguồn lực mà còn gắn liền với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định chỉ định 2.552/4.076 đồng chí tham gia Ban Chấp hành; 1.047/1.356 đồng chí tham gia Ban Thường vụ; 125/126 bí thư; 251/252 phó bí thư; 125/126 phó chủ tịch HĐND; 240/252 phó chủ tịch UBND.

Đến nay, 126 xã, phường đã tổ chức họp Ban Chấp hành Đảng bộ, thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy. Đồng thời, 30 xã, phường nơi đặt trụ sở trung tâm chính trị (quận, huyện, thị xã cũ) đã thành lập Trung tâm chính trị khu vực để phục vụ chung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức, cán bộ đảng viên.

Thành ủy cũng có hướng dẫn về thực hiện công tác cán bộ tại các xã, phường trực thuộc TP sau sắp xếp đơn vị hành chính, làm cơ sở để các xã, phường tiếp tục rà soát, đề xuất kiện toàn đối với các chức danh còn thiếu, đảm bảo hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ xã, phường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.

Toàn bộ các xã, phường đã ban hành quy chế làm việc, bố trí đủ cán bộ, công chức, đảm bảo hoạt động hành chính và phục vụ người dân diễn ra bình thường. Đến nay có 126/126 đảng ủy xã, phường đã làm dấu cho các cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của đảng ủy; 67/126 xã, phường đã có công văn và hồ sơ đề nghị làm dấu cho các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Hiện còn 59 Đảng ủy xã, phường đang hoàn thiện hồ sơ để làm dấu cho các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy.

Tăng 14% hồ sơ nộp trực tuyến

Đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy cho thấy, một trong những điểm nổi bật của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là sự đột phá trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Từ 1 - 13/7/2025, Hà Nội tiếp nhận hơn 66.000 hồ sơ, trong đó 14% được nộp trực tuyến. Số TTHC cấp xã được tăng từ 112 lên 559 thủ tục, giúp người dân tiếp cận dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Hà Nội đã triển khai 4 TTHC khối Đảng trên nền tảng số đã thu hút hơn 1,9 triệu lượt truy cập, với 72.995 đảng viên đăng ký và hơn 42.000 lượt giao dịch đóng đảng phí thành công.

Chủ động bắt tay ngay vào chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã, phường lần thứ Nhất

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong hoan nghênh, đánh giá cao 126 xã, phường và các cơ quan đã chủ động, trách nhiệm trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng biểu dương tinh thần cầu thị, học hỏi đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường; đánh giá cao các sở, ngành đã ngày - đêm đồng hành cùng cơ sở, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương đi vào ổn định nhanh chóng.

Tại nhiều xã, phường đã xây dựng kế hoạch hoạt động đến hết năm 2025, trong đó có nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội với nhiều nội dung sát thực tiễn địa phương. Đồng thời các xã, phường đã chủ động bắt tay ngay vào chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã, phường lần thứ Nhất.

Đặc biệt, nhiều xã, phường đã thể hiện tinh thần gần dân, sát dân, tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng Nhân dân được thể hiện rõ qua việc các đơn vị đã họp với các chi bộ, tổ dân phố, phân công từng cán bộ, công chức trực tiếp theo dõi, phụ trách tổ dân phố.

Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, sở ngành cần tiếp tục duy trì sự ổn định, tập trung xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trước mắt là tổ chức thành công Đại hội đảng bộ 126 xã, phường lần thứ Nhất, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng trên 8%, thực hiện tốt các ngày lễ lớn, chăm lo chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội.

Các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, dựa vào dân để tạo đồng thuận, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, tài chính, đất đai…

Từ nay đến tháng 10/2025 là giai đoạn cao điểm về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cấp xã về những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu như: công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý lý đất đai, kế toán… Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn TP từ cấp xã trở lên của từng ngành, từng lĩnh vực, vị trí công tác để có một cơ sở dữ liệu dùng chung toàn TP để xác định ngành nào cần đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng. Trước mắt, tận dụng tối đa nguồn cán bộ từ trong hệ thống, ngay cả đội ngũ cán bộ không chuyên trách.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu đẩy mạnh số hóa tài liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành. Đối với phân cấp, phân quyền, Thành ủy và UBND TP sẽ sớm hoàn thiện các cơ chế phù hợp, tạo điều kiện để cơ sở phát huy vai trò chủ động trong quản lý kinh tế - xã hội.

Gia Huy


Top