Hà Nội: Bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân trước ‘siêu bão’ số 3
(Chinhphu.vn) - Tập trung ứng phó khẩn cấp với diễn biến của “siêu bão” số 3, các đơn vị chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội theo dõi sát sao dự báo và diễn biến thời tiết, nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân.
Dự báo mưa to, gió lớn kéo dài trong 3 ngày
Bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Mức độ rủi ro thiên tai rất cao. Khi đổ bộ đất liền, bão có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Sau khi đạt cấp siêu bão, bão số 3 tiếp tục duy trì cường độ, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15 km/giờ. Dự kiến vào chiều tối ngày 7/9, bão đổ bộ đất liền khu vực Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Nam Định) với cường độ cấp 9 - 12, giật cấp 13 - 14.
Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng 7/9, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội sẽ có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9. Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Từ ngày 7 - 9/9, TP.Hà Nội sẽ có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa tại hầu hết các quận, huyện phổ biến ở mức 200 - 300 mm, có nơi trên 350 mm. Riêng các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, lượng mưa dự báo vào khoảng 150 - 250 mm, có nơi trên 300 mm.
Mưa lớn kéo dài có thể gây ra sạt lở đất, đặc biệt là tại các khu vực có địa hình dốc; làm ngập úng, gãy đổ cây trồng, gây thiệt hại cho mùa màng, làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây trơn trượt và tai nạn giao thông; có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư…
Cùng với mưa to, gió lớn, cơ quan khí tượng thuỷ văn cũng nhận định từ ngày 7 - 10/9, trên các sông suối Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội), sẽ xuất hiện một đợt lũ, với đỉnh lũ trên sông Thao, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam ở mức báo động 1 - báo động 2; sông Lô lên mức báo động1; sông Hoàng Long lên mức báo động 2.
Sẵn sàng nhân lực, phương tiện tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó "siêu bão"
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra, UBND TP. Hà Nội đã sớm ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND chỉ đạo. Chiều tối 5/9, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Hà Nội cũng đã tổ chức họp bàn, lên phương án ứng phó với bão số 3. Động thái cho thấy lãnh đạo TP. Hà Nội rất quan tâm đến diễn biến và tác động của bão số 3 đối với đời sống người dân.
Để phòng, chống ngập úng do cơn bão số 3 gây ra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, đơn vị đang duy trì vận hành đúng quy trình, bảo đảm mực nước khống chế trên hệ thống hồ điều hòa, kênh, mương, sông. Theo dõi chặt chẽ, bố trí sẵn nhân lực, thiết bị ứng trực tại 30 điểm úng ngập khi mưa lớn đến 100mm/giờ để chủ động xử lý ngay khi sự cố phát sinh.
Ông Nguyễn Thế Công cho biết thêm, 4 công ty thoát nước đô thị thành phố đã huy động 2.416 người, 323 phương tiện, 139 thiết bị bơm hút chống ngập. Các công ty cây xanh đã cắt tỉa hạ thấp độ cao, làm thưa tán hơn 92.000 cây xanh, đạt 65% số lượng cây của TP. Hà Nội. Ngoài ra, các công ty cây xanh đã huy động 573 người, 80 xe và 100 cưa máy, 100 cưa tay tiếp tục cắt tỉa, kịp thời giải tỏa cây xanh gãy đổ...
Chiều 5/9, lãnh đạo Sở Xây dựng đã đi kiểm tra kế hoạch chống úng ngập và tiêu thoát nước tại các trạm bơm. Tại trạm bơm Yên Sở, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước) ngay trong ngày 5/9 triển khai kế hoạch cao điểm ứng phó với bão số 3.
Cụ thể, ông Võ Nguyên Phong yêu cầu, với hệ thống thoát nước như cống ngầm, đường ống, hố ga thu nước tại các quận nội thành phải được khơi thông; với các trạm bơm - bơm nước lũ ra các sông phải đảm bảo phương án hoạt động 100% tổ máy, công suất khi nước mưa chảy về hồ chứa, hồ điều hòa.
"Mục tiêu của việc này là gom và thu nước bơm ra sông Hồng, sông Đáy một cách nhanh nhất, kịp thời chống úng cho nội đô Hà Nội", lãnh đạo Sở Xây dựng yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng, trong chiều nay, Công ty Thoát nước Hà Nội đã có thông báo nhanh yêu cầu các Xí nghiệp thoát nước tại các quận, huyện; các đơn vị đang vận hành các trạm bơm tiêu, thực hiện đợt cao điểm phòng chống úng ngập do ảnh hưởng bão số 3.
Cụ thể Công ty Thoát nước yêu cầu: Từ 16h30 ngày 5/9/2024 cho đến khi có thông báo tiếp theo, các xí nghiệp trực thuộc, đơn vị thành viên tổ chức trực ban 24/24h.
Các Xí nghiệp trực thuộc xây dựng kế hoạch ứng trực, triển khai bố trí 100% nhân lực, máy móc, thiết bị cơ giới để phòng chống úng ngập do ảnh hưởng Bão số; hạ mực nước đệm trên các hệ thống sông, hồ điều hòa, vận hành các cửa phai, trạm bơm theo đúng quy định sẵn sàng phục vụ thoát nước khi mưa.
Với các xí nghiệp duy trì thoát nước từ số 1 đến số 8 chủ động kiểm tra, rà soát địa bàn, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người; phương tiện, thiết bị, sẵn sàng triển khai khi có lệnh, khẩn trương xử lý các sự cố phát sinh trên hệ thống trong vòng 12h kể từ khi phát hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra mưa bão.
Xí nghiệp quản lý cụm Công trình đầu mối Yên Sở (trạm bơm Yên Sở), thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Hồng, sông Nhuệ để chủ động vận hành trạm bơm Yên Sở, hạ thấp mực nước đệm trên hệ thống sông, hồ điều hòa Yên Sở; Các xí nghiệp Quản lý duy trì Hồ: Vận hành các trạm bơm hồ để hạ tối đa mực nước; Điều tiết giữ mực nước các hồ theo đúng quy định; Quản lý vận hành cửa đập, trạm bơm theo đúng quy trình.
Tính đến sáng 6/9, 3 hồ thuỷ điện lớn trên lưu vực sông Hồng tiếp tục duy trì mở nhiều cửa xả nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập và vùng hạ du. Cụ thể, hồ Hoà Bình mở 1 cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt. Mực nước trên hệ thống các sông của Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục lên trong những ngày tới, kéo theo đó là nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng, thấp và khu dân cư ven sông.
Để bảo đàm cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng hoá, nhất là các loại nhu yếu phẩm cần thiết, với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Sở Công Thương sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng, hỗ trợ người dân các địa phương trong trường hợp xảy ra mưa lũ, chia cắt.
Nhận định siêu bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là một cơn bão lớn, mưa nhiều kèm theo giông lốc, sấm sét, để chủ động đối phó, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài tại Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chủ động thực hiện ứng phó nhằm bảo đảm an toàn hoạt động bay.
Theo đó, các đơn vị của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài thường xuyên cập nhật, triển khai, quán triệt thông tin về cơn bão để chủ động trong công tác phòng, chống bão và phổ biến các văn bản liên quan đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.
Cảng cũng tăng cường kiểm tra những khu vực trọng yếu, kịp thời khơi thông cống rãnh, mương thoát nước để tránh ngập úng cục bộ; chằng néo máy bay, phương tiện trang thiết bị phục vụ mặt đất trước khi có mưa to, gió lớn để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện trên sân đỗ máy bay.
Lực lượng phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ từng đơn vị ứng trực tại vị trí 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của cơn bão; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng theo phương châm "bốn tại chỗ" nhằm khẩn trương khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Các đơn vị quân đội, công an sẵn sàng huy động 10.732 cán bộ, chiến sĩ, 303 phương tiện tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3...
Nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trên tinh thần không chủ quan và chủ động cao nhất, Hà Nội đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội và các sở ngành xây dựng kịch bản, lên phương án ứng phó với từng giai đoạn của bão số 3.
Hiện thành phố đã sẵn sàng các phương án phòng ngừa trước khi bão đổ bộ; phương án ứng phó khi bão đổ bộ và phương án khắc phục hậu quả sau bão. Trong đó, tiếp tục tập trung nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để sơ tán, di dời người dân nhằm bảo đảm an toàn ở mức cao nhất.
Khi xuất hiện bão đổ bộ vào khu vực Hà Nội, căn cứ vào cấp độ rủi ro thiên tai, tình hình thực tế tương ứng với các kịch bản đã được xây dựng tại các phương án, kế hoạch, các cấp, các ngành trên địa bàn TP. Hà Nội triển khai đồng loạt các hoạt động ứng phó với bão theo kế hoạch được duyệt.
Việc triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện giải pháp chống bão, chống úng ngập gồm: Lực lượng, phương tiện huy động, hiệp đồng với các đơn vị quân đội, công an tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lượng lượng ứng trực, chỉ huy tại các cơ quan thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổ chức lực lượng xung kích, lực lượng chuyên trách để ứng phó với mưa bão, như trực ban, tuần tra, canh gác, xử lý giờ đầu các sự cố, thực hiện vớt rác khơi thông dòng chảy, vận hành các trạm bơm tiêu...
"Để giảm thiệt hại, các đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý.
Thùy Chi