Hà Nội: Các quận, huyện ứng phó ngập lụt, bảo đảm an toàn cho người dân
(Chinhphu.vn) - Do nước các sông lên cao, mưa tiếp tục diễn ra trên diện rộng, các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đang khẩn trương triển khai di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn cho người dân.
Sáng 11/9, UBND quận Ba Đình cho biết, hiện nay các tuyến phố khu vực phường Phúc Xá nước dâng, ngập cao, đi lại rất khó khăn.
Dự báo nước sẽ còn tiếp tục dâng cao, do đó đề nghị các phương tiện cá nhân không có nhiệm vụ hạn chế tối đa đi vào khu vực này.
Theo UBND quận Ba Đình, để bảo đảm an toàn cho người dân, từ trưa 10/9, lực lượng chức năng quận và phường Phúc Xá Quận Ba Đình đã tiến hành di dời toàn bộ khoảng 200 hộ dân có nguy cơ cao tại khu vực bờ vở sông Hồng, phường Phúc Xá. Trước tiên là các hộ dân tại khu vực nhà trọ có nguy cơ cao nhất xảy ra ngập lụt trong trường hợp nước sông Hồng tiếp tục dâng cao.
Quận Ba Đình cho biết, thực hiện công điện của Thành phố, quận cũng đã chỉ đạo phường Phúc Xá và các lực lượng chức năng phối hợp nắm chắc tình hình, sẵn sàng các phương án phòng chống lũ lụt tại địa bàn.
Tại quận Nam Từ Liêm Nước đổ xuống sông Ngà khiến mặt đê sông Cầu Ngà (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) bị tràn tại 2 điểm Cầu Mới và Đồng Dậu. Bờ sông Cầu Ngà phía Tây Mỗ, mực nước đo trong đêm 10/9 cao 7m. Hiện tại, phường Tây Mỗ đang tiếp tục huy động lực lượng gia cố mặt đê để chống nước tràn vào khu dân cư.
Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có nhiều các điểm ngập úng như phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Trung Văn, Phương Canh, Mỹ Đình, Cầu Diễn. Riêng phường Đại Mỗ có 65 điểm ngập, trong đó có khoảng 49ha trồng hoa đào.
Các phường đã bố trí địa điểm di dời nhân dân. Cụ thể, phường Cầu Diễn bố trí phòng đơn cho người già, trẻ nhỏ và bố trí 4 hội trường lớn cho 30 hộ gia đình với khoảng 40 người, cung cấp nước, mỳ tôm, cơm suất, trứng. Phường Phú Đô bố trí Trung tâm văn hóa phường cho 17 hộ với 50 người. Tuy nhiên, có 30 người xin tự di chuyển tạm cư về nhà người thân. Mỗi hộ được phường hỗ trợ một số nhu yếu phẩm: 10kg gạo, 1 thùng lương khô và 1 thùng mỳ tôm.
Phường Đại Mỗ đã di dời 12 hộ dân với 28 người. Phường Trung Văn đã xây dựng phương án di dời dân khu vực ngập úng về nhà văn hóa tổ dân phố 17, 18; vận động 15 hộ với 40 nhân khẩu bị ngập lụt di chuyển đến nơi ở an toàn. Hiện nay, các hộ đã tự di chuyển đến tạm cư ở nhà người thân.
Ngoài ra, trên địa bàn quận đang vận hành các trạm bơm: Cầu Ngà 1, Cầu Ngà 3, Cầu Giát, Hoè Thị để tiêu thoát nước.
Tối 10/ 9, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã hạ thủy thêm 1 chiếc cano tuần tra chuyên dụng, đưa vào ứng trực chiến đấu tổng số 3 cano.
Người dân ngoài đê đang hối hả chuyển đồ đạc khỏi vùng ngập lụt, phía dưới nước sông Hồng đã sát chân đê thuộc địa bàn xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh.
Tại huyện Thạch Thất, đến 6h sáng nay 11/9, mực nước sông Tích lên cao, vượt mức báo động III, ảnh hưởng đến 230 hộ dân và 943 nhân khẩu. Để hạn chế thiệt hại, các địa phương huy động lực lượng xung kích, nhân dân tổ chức đắp bao tải đất chống tràn ở các đoạn đê. Xã Hạ Bằng huy động lực lượng xử lý sự cố thủng 2 cống qua đường H14 ở đầu thôn Khoang Mè.
Tại huyện Hoài Đức, hiện tại trên địa bàncó một số điểm bị ngập úng cục bộ như khu đô thị Geleximco, hầm chui qua cầu An Khánh, đường 32 đoạn qua thôn Lai xá, xã Kim Chung và khu chung cư Tân Việt, xã Đức Thượng, đoạn đường Trịnh Văn Bô kéo dài qua xã Vân Canh, chung cư Vân Canh, đường trục xã Lại Yên... ngập khoảng 30-50cm. UBND các xã đã cử lực lượng phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Tại xóm 4 thôn Đồng Nhân, xã Đông La (Hoài Đức), tính đến 23h00 ngày 10/9/2024 đã di rời 60 người dân ra khỏi vùng ngập úng…
Thùy Linh-Minh Anh