Hà Nội cần dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, công nghệ
(Chinhphu.vn) - Chiều 23/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, đã có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ .
Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với TP. Hà Nội. Ảnh: Hòa An |
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Lê Ngọc Anh, chiến lược phát triển KHCN của TP. Hà Nội đến năm 2020 đã chỉ ra hướng phát triển là tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể là cơ khí chế tạo; điện, điện tử, tự động hóa; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ thông tin và công nghệ môi trường... áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tập trung vào những khâu có giá trị tăng cao như: giống cây trồng, giống vật nuôi; canh tác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sau thu hoạch ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch, năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chiến lược phát triển KHCN của Hà Nội đã xác định mục tiêu là đến năm 2020, Hà Nội là trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực KHCN, năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực.
Từ chiến lược này, Hà Nội đã tích cực triển khai các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật KHCN năm 2013, tiến hành việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các dự án sản xuất thử nghiệm theo quy trình và hướng dẫn của Bộ KHCN. Thành phố đã ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ, phát triển doanh nghiệp KHCN.
Để khuyến khích, hỗ trợ các DN, nhất là DN vừa và nhỏ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thời gian qua, Thành phố đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi; hỗ trợ DN nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thông qua việc cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm; chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; hỗ trợ DN công nghiệp phụ trợ; phối hợp tổ chức thành công Hội chợ giao thương ngành chế tạo Hà Nội 2017 với sự tham của 139 DN ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản… Bên cạnh đó, Thành phố đã hỗ trợ 21 DN kinh phí để nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới công nghệ để thực hiện 25 nhiệm vụ KHCN...
Hà Nội cũng phối hợp với Bộ KHCN và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh những mặt mạnh nêu trên, hạn chế của Hà Nội được Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nêu lên là tuy nhiều đề tài khoa học được triển khai mạnh mẽ nhưng tính ứng dụng còn ở mức độ nhất định; còn chưa thu hút được DN tự bỏ tiền ra nghiên cứu hoặc kết hợp giữa Nhà nước và DN trong nghiên cứu khoa học; thị trường KHCN chưa tạo được sàn giao dịch; chưa huy động được nhiều chất xám từ đội ngũ nhà khoa học tham gia nghiên cứu trên địa bàn... TP. Hà Nội tiếp thu ý kiến của Đoàn Giám sát để khắc phục trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá cao Hà Nội kịp thời ban hành hệ thống văn bản để điều chỉnh chương trình KHCN cho Thành phố. Trên cơ sở pháp lý của Nhà nước nói chung, Thành phố đã có chương trình riêng để thực hiện các hoạt động KHCN tạo ra nhiều sản phẩm mang dấu ấn của Thành phố và những, điều chỉnh của Hà Nội có nhiều đổi mới. Tuy nhiên ông Phan Xuân Dũng mong muốn, là địa phương có nhiều tiềm năng, là Thủ đô của cả nước, Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Tại buổi làm việc, nhằm phát huy vai trò của KHCN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, Thành phố đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị với Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quản lý tài sản công, thuế để đảm bảo tính đồng bộ với Luật KHCN…; kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu và ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành nhằm cụ thể hóa các quy định Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 để sớm triển khai thực hiện trên thực tế; kiến quyết sáp nhập hoặc giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.
Hòa An