Hà Nội cần tận dụng hiệu quả các lợi thế để thu hút đầu tư
(Chinhphu.vn) - Qua 70 năm xây dựng và phát triển (10/10/1954-10/10/2024), ưu thế và lợi thế của Thủ đô rất lớn trên nhiều lĩnh vực, hệ thống pháp lý và chính sách khá đầy đủ. Hà Nội cần tận dụng hiệu quả các lợi thế này để nỗ tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến về sức hấp dẫn của Hà Nội và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững" (ngày 25/9) do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức.
Hệ thống pháp lý và chính sách của Hà Nội khá đầy đủ, toàn diện
Về môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội hiện nay, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, để thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước thì môi trường đầu tư rất quan trọng. Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua, từ đó hệ thống pháp lý và chính sách của Hà Nội khá đầy đủ, toàn diện.
Cụ thể, về hạ tầng, Hà Nội là trung tâm đầu mối kết nối vận tải; Hà Nội có cộng đồng doanh nghiệp hiện đại; Hà Nội có cộng đồng lao động trẻ, thu hút 2/3 trí thức cả nước. Bên cạnh đó Hà Nội có lợi thế quy mô thị trường và lợi thế vùng.
"Tôi cho rằng ưu thế và lợi thế của Hà Nội rất lớn và cần tận dụng hiệu quả các lợi thế này", TS. Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.
Còn về môi trường đầu tư của Hà Nội và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội trong thời gian qua, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định rằng, trong thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để thu hút doanh nghiệp.
Về môi trường đầu tư, Hà Nội tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn nhiều địa phương trong cả nước. Hà Nội chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết cụ thể.
Do đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.
Để thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới, TS. Lê Quốc Phương cho rằng, Hà Nội không nên tập trung theo hướng ưu đãi về thuế, phí… mà cần phải tập trung vào việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo ra các khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, tiện ích. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng đảm bảo theo tiêu chuẩn mà nhà đầu tư cần.
Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD, đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD. Do đó, cần có những đánh giá về khả năng thực hiện được những mục tiêu trên.
Chia sẻ về Hà Nội có những tiềm năng, thế mạnh gì để thực hiện những mục tiêu này, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến, trong nhiều năm qua, Trung ương đã luôn quan tâm, ưu tiên dành cho Hà Nội nhiều điều kiện thuận lợi. Đơn cử như năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, từ đó giúp tạo tiền đề cho Hà Nội quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 Quốc hội cũng đã ban hành Luật Thủ đô; mới đây Luật Thủ đô tiếp tục được sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Thủ đô Hà Nội phát triển.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Hà Nội cũng được Trung ương quan tâm, bố trí đầy đủ với mong muốn Hà Nội sẽ phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh của mình. Đội ngũ trí thức của Hà Nội tập trung nhiều nhất, không chỉ về kinh tế mà còn khoa học cơ bản, công nghệ kỹ thuật…
Với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội cũng là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong hàng chục năm qua; cũng là 1 trong những nơi đi đầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Chia sẻ về điều gì khiến Hà Nội hấp dẫn các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Hà Nội nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế của miền Bắc. Chính phủ đã giao cho Hà Nội khu công nghệ cao Hòa Lạc và thành lập trung tâm đổi mới công nghệ Quốc gia tại địa bàn Hà Nội và một số nước, tập đoàn kinh tế lớn của các nước cũng thành lập trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm của họ tại Hà Nội.
Các tập đoàn về công nghệ bán dẫn đặt rất nhiều hy vọng sẽ phát triển ở Việt Nam trong đó, Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tàu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội VAFIE cho rằng, đây là những điểm mà tiềm năng rất lớn của Hà Nội và trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu như phát huy được tiềm năng.
Về quy hoạch Thủ đô, với Quy hoạch chung đô thị Hà Nội đến 2045, tầm nhìn 2065, sông Hồng được xác định là trục cảnh quan trung tâm, trục quan trọng bậc nhất trong 5 trục không gian phát triển của Thủ đô. Hà Nội sẽ được trải rộng, phát triển đều và lan tỏa ra các khu vực xung quanh, phát huy lợi thế Vùng Thủ đô, tam giác tăng trưởng và sắp tới sẽ có kết nối tương đối cứng vì chúng ta đã tính các tuyến đường sắt nâng tầm quốc tế từ Hà Nội đi Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái...
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội VAFIE hy vọng chính quyền Hà Nội có thể xây dựng hệ sinh thái mới cho các doanh nghiệp phát triển.
Còn ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, để phát triển kinh tế Hà Nội tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số Thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp... cùng tham gia để thực hiện.
Gia Huy