Hà Nội cần tập trung lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

11/07/2023 4:41 PM

(Chinhphu.vn) - Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội cần tiếp tục triển khai tốt các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tập trung lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để khi Quốc hội bàn, cho ý kiến và bấm nút thông qua thì Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại, đáp ứng được mong đợi của người dân.

Hà Nội cần tập trung lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 1.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội hiệp thương kiện toàn bổ sung các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2019-2024. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Ngày 11/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024 sơ kết công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Báo cáo về hoạt động của mặt trận, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 6 tháng qua, cùng với việc chủ động triển khai các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, nhiều nội dung, nhiệm vụ theo chương trình và đột xuất, phát sinh cũng được MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên triển khai quyết liệt.

Điển hình là MTTQ Việt Nam các cấp chú trọng tuyên truyền giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô; phát huy vai trò các tôn giáo trong tham gia vận động nhân dân các quận, huyện thực hiện di dời phần mộ.

Toàn Thành phố có 5.393 thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư và 579/579 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Các hoạt động vì người nghèo và vận động ủng hộ chương trình an sinh xã hội được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp triển khai hiệu quả. Phát huy tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã trích Quỹ "Vì người nghèo" Thành phố 500 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 10 nhà đại đoàn kết tại tỉnh Tuyên Quang, ủng hộ 15 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 300 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên.

MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn Thành phố đã tổ chức 8.540 cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Phối hợp tổ chức 58 cuộc tọa đàm, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn và xây dựng 20 mô hình điểm về Cuộc vận động. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 247 hội nghị phản biện xã hội; tổ chức 698 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)...

Tại hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã trình bày tóm tắt dự thảo kế hoạch tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Hà Nội cần tập trung lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thời điểm hiện tại, Thành phố đang thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch Thủ đô và sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô. Vì vậy, Mặt trận Thành phố cần tuyên truyền, vận động để người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong thực hiện 2 nhiệm vụ này, từ đó người dân ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình và tham gia ngay từ khâu quy hoạch, sửa đổi.

Mặt trận và các tổ chức thành viên, các hội đồng tư vấn cần tích cực phát huy vai trò trong việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng trên bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Trong đó, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, các hội nghị lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cần được tổ chức bằng nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cung cấp tài liệu, các điều kiện cần thiết để các hội nghị lấy ý kiến nhân dân của Mặt trận các cấp về sửa đổi Luật Thủ đô và điều chỉnh bổ sung quy hoạch Thủ đô thực sự có giá trị, giúp cho Thủ đô có điều kiện phát huy hết tiềm năng, thế mạnh như mong muốn của Trung ương và người dân Hà Nội, làm tốt hơn vai trò đầu tàu đối với cả nước.

Hà Nội cần tập trung lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Chỉ đạo nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ mà Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã đề ra. Đồng thời, đề nghị Mặt trận các cấp Thành phố cần tập trung quyết liệt hơn để chuẩn bị Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn theo đúng tinh thần Chỉ thị 22 của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội phải tham mưu với cấp ủy đảng hành các văn bản để lãnh đạo Đại hội Mặt trận các cấp. Bên cạnh đó, MTTQ Thành phố cần tiếp tục triển khai tốt các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tập trung lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để khi Quốc hội bàn, cho ý kiến và bấm nút thông qua thì Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại, đáp ứng được mong đợi của người dân.

Tại hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã hiệp thương kiện toàn bổ sung, thay thế Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2019-2024

Bích Phương

Top