Hà Nội cần thêm 3,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội

12/12/2016 5:16 PM

(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2017-2020, để có thêm 3,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội, Hà Nội đang hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng hỗ trợ nhà đầu tư và quản lý chặt chẽ việc sử dụng quỹ nhà xã hội theo đúng mục đích, đúng đối tượng quy định.

Triển khai 40 dự án đến năm 2020

Đến hết tháng 11/2016, Hà Nội có 36 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với trên 1,3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, trong đó có 5 dự án nhà ở công nhân với trên 163 nghìn m2 sàn xây dựng. Hiện Thành phố đã bố trí, giải quyết chỗ ở cho 11,8 nghìn hộ gia đình. Riêng năm 2016, giải quyết cho ở cho 1,6 nghìn hộ gia đình và trên 45 nghìn chỗ ở cho công nhân.

Trong các dự án nhà ở xã hội, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm (giai đoạn 1 có quy mô trên 29 ha triển khai từ tháng 7/2004; giai đoạn 2 có quy mô trên 39 ha triển khai từ tháng 1/2012 với gần 3,5 nghìn căn hộ) được đánh giá là mô hình khu nhà ở xã hội tập trung kiểu mẫu, chất lượng cao cần được nghiên cứu, nhân rộng. Dự án có vị trí thuận lợi gần các khu, cụm công nghiệp, được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giá bán căn hộ từ 8,68 đến 9,8 triệu đồng mỗi căn, phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập thấp,

Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn Hà Nội có 40 dự án đang triển khai, với khoảng trên 3,2 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, trong đó có 6 dự án nhà ở công nhân, với khoảng gần 450 nghìn m2 sàn xây dựng nhà ở công nhân.

Từ tháng 7/2016, Hà Nội đã triển khai để chuẩn bị đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo mô hình mới là giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô gần 250 nghìn ha. Trong đó, có 2 khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, diện tích khoảng 39 ha và 34 ha; khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 39 ha; khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh trì, diện tích khoảng 41 ha; khu nhà ở xã hội tập trung xã Đại Mạch, huyện Đông Anh với quy mô 96 ha.

Dự kiến từ nay đến năm 2020, cả 5 dự án này sẽ bổ sung khoảng 1,5 triệu m2 nhà ở xã hội cho Thành phố để giải quyết nhà ở cho nhân dân Thủ đô, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan của Trung ương và lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Khó khăn trong thực hiện các dự án được TP. Hà Nội xác định, do không thu tiền sử dụng đất, giá bán nhà bị khống chế nên tại một số dự án nhà ở xã hội (nhất là các dự án nhỏ lẻ) nhưng có lợi thế về vị trí, thương mại cao, giá nhà ở xã hội có chênh lệch lớn so với nhà ở thương mại cùng khu vực dẫn phức tạp trong việc bán nhà, quản lý đối tượng mua nhà.

Đối với nhà ở công nhân thì tỷ lệ lấp đầy lại rất thấp, một số dự án đã xây dựng xong nhưng chưa lấp đầy do thói quen một bộ phận công nhân muốn ở trong khu dân cư liền kề để giảm chi phí sinh hoạt. Các dự án nhà ở công nhân hiện nay chủ yếu phục vụ cho các công nhân độc thân chưa lập gia đình (phòng ở tập thể mỗi phòng từ 8 đến 24 người), sau khi lập gia đình căn hộ trên không phù hợp dẫn đến bất cập về mô hình đầu tư. Các dự án nhà ở cho công nhân thuê nên thu hồi vốn chậm, chưa thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia.

Theo Kế hoạch giai đoạn 2017-2020, Hà Nội cần thêm khoảng 3,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội. Để giải quyết nhu cầu, khắc phục các tồn tại, hạn chế, Hà Nội sẽ kiểm tra, rà soát các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chậm triển khai, làm rõ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, tập trung chỉ đạo giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Thành phố sẽ tập trung đầu tư các dự án khu đô thị nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối giao thông thuận tiện với các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại để bù đắp phần diện tích nhà còn thiếu; đồng thời giải quyết các tồn tại, bất cập trong đầu tư, quản lý, sử dụng các khu nhà ở xã hội nhỏ lẻ; hạn chế phát triển các dự án nhà ở xã hội nhỏ lẻ trên địa bàn.

Ngoài ra, Hà Nội cũng lựa chọn chủ đầu tư có năng lực về tài chính, có trách nhiệm xã hội cao để thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu và tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách cho các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (tổ chức ngày 7/12), TP. Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép tiếp tục quy hoạch các khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tập trung. Đồng thời cũng đề nghị cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế thu bằng tiền đối với diện tích đất (20% quỹ đất ở) dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha để tập trung vốn tạo quỹ đất “sạch”, đầu tư xây dựng trường học, nhà trẻ công lập tại các khu nhà ở xã hội.

 Gia Huy

Top