Hà Nội ‘chốt’ 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

07/12/2020 4:44 PM

(Chinhphu.vn) – Chiều 7/12, với 91/91 đạt biểu có mặt tán thành (đạt tỷ lệ 100%), HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của thành phố Hà Nội.

* Phối hợp giải quyết tốt các vụ án phức tạp được dư luận quan tâm

* Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp

* Lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế

* Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giám sát

* Bảo đảm xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội

* HĐND Hà Nội kỳ họp 18: Kiện toàn chức danh Chủ tịch HĐND, các Phó Chủ tịch

Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành nội dung thảo luận về Nghị quyết kinh tế-xã hội. Ảnh: Thùy Linh

Hà Nội đặt mục tiêu tăng GRDP năm 2021 là 7,5%

Theo dự thảo Nghị quyết trình bày tại kỳ họp, mục tiêu chung năm 2021 của TP. Hà Nội là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển mạnh văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã nội, nâng cao đời sống người dân. Tăng cường quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật...

Dự thảo Nghị quyết cũng thống nhất với 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã...

Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố cũng xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; triển khai thực hiện tốt 02 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và bảo đảm công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, nâng cao đời sống của người dân. Tăng cường xây dựng và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục cải cách hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Báo cáo thẩm tra chung của các ban HĐND Thành phố đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhưng chính quyền Thành phố đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhiệm vụ kép, vừa phải tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của đại dịch, vừa phải triển khai các giải pháp ổn định thị trường cung cầu hàng hóa, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Thành phố tiếp tục giữ đà tăng trưởng dương của kinh tế trong suốt 4 quý của năm so với cùng kỳ năm trước và mức tăng trưởng GRDP cả năm cao gấp 1,5 lần của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vẫn vượt dự toán, huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục duy trì tốc độ tăng…

Tuy nhiên, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm cả ở cấp Thành phố và cấp quận, huyện. Mặc dù được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm, nhưng đến nay kết quả giải ngân chưa cao. Công tác thống kê, theo dõi, quản lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất còn hạn chế; nhiều dự án vi phạm Luật đất đai đã được rà soát, đề xuất xử lý nhưng trên thực tế chưa có chuyển biến rõ rệt, có nơi vẫn còn tình trạng sử đụng đất sai mục đích,…

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thùy Linh

Cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (tổ đại biểu Tây Hồ) đề nghị UBND Thành phố tìm ra nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất là việc điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đã nằm trong danh mục nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chậm.

“UBND TP. Hà Nội cần tiếp tục sâu sát với các quận, huyện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh việc phân cấp cho quận, huyện, nhất là việc mua sắm tập trung để xem xét và tháo gỡ những vấn đề bất cập trong nhiệm kỳ tới”, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta ghi nhận cộng đồng doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, do “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp không tốt, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên Thành phố cần sâu sát, có các giải pháp phù hợp. Về lâu dài, nếu như doanh nghiệp phá sản thì những năm kế tiếp, Thành phố sẽ khó có thể thu vượt mức như năm vừa rồi.

Với khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta cần có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp cho các doanh nghiệp nội địa. Cùng đó, sớm thực hiện hóa chủ trương doanh nghiệp tư nhân để tiếp cận nguồn vốn vay ODA. Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Thành phố chọn cải cách thể chế là một trong 3 khâu đột phá, thì nhân sự là vấn đề then chốt; cần công khai, minh bạch, trọng dụng đội ngũ nhân tài, chất lượng cao, có cơ chế thu hút nhân tài…

Đại biểu Phạm Hải Hoa (tổ Phú Xuyên) nhận định, trong năm 2020, không ai còn nghi ngờ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo sát sao đối với ngành nông nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, lãnh đạo các huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nông dân, theo hướng “tăng đối thoại, giảm bức xúc”, từ đó đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của ngành. Năm 2021, để Thủ đô trở nên “xanh, sạch, đẹp và đáng sống”, bên cạnh phát triển đô thị, Thành phố cần tiếp tục quan tâm đến khu vực nông thôn; phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, bền vững...  Đồng thời, cần có chính sách, “đòn bẩy” để phát triển khởi nghiệp trong nông nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia sản xuất nông nghiệp.

Gia Huy-Thùy Linh

Top