Hà Nội chủ động các biện pháp ứng phó bão Wipha

19/07/2025 7:21 PM

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của bão Wipha, ở khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội), từ ngày 20 - 25/7, có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại vùng trũng thấp, khu đô thị…

Hà Nội chủ động các biện pháp ứng phó bão Wipha- Ảnh 1.

Vùng mây che phủ Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Bộ vào 16h30 chiều ngày 19/7. Khu vực màu vàng và đỏ là vùng có mưa lớn tập trung. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định trong khoảng 3-6 giờ tới (tính từ 16 giờ 50 ngày 19/7), khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố với độ sâu phổ biến từ 15-20cm; một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 20-40cm.

Tình hình giao thông trên các tuyến phố bị ngập sâu sẽ bị ảnh hưởng, tắc nghẽn cục bộ hoặc nhiều phương tiện giao thông sẽ gặp khó khăn khi di chuyển.

Một số tuyến phố có nguy cơ ngập như Thái Hà, Lê Duẩn, Chùa Bộc, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Thúc Kháng, Ngọc Hà, Giảng Võ Cao Bá Quát, Đội Cấn, Đào Tấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc, Triều Khúc, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng, Định Công, Ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Nguyễn Văn Trỗi, Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài…

Để chủ động ứng phó với bão Wipha và mưa lũ lớn diện rộng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đề nghị UBND các xã, phường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn và tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có); triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có tình huống xảy ra.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Sở yêu cầu các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh có trách nhiệm ứng trực 24/24h, lên phương án giải quyết bảo đảm an toàn mùa mưa bão. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực cùng các phương tiện, thiết bị cơ giới để giải tỏa trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông đối với cây bóng mát bị đổ, cành gãy.

Trường hợp khối lượng lớn cần huy động, bổ sung đơn vị hỗ trợ phối hợp giải tỏa thì các đơn vị khẩn trương báo cáo để Sở Xây dựng Hà Nội để phối hợp cùng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội để huy động, điều động tăng cường các đơn vị thuộc lực lượng dự phòng để tham gia giải tỏa khẩn cấp tại hiện trường.

Ông Nguyễn Gia Mỹ, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đối với tất cả các trường hợp cây đổ, cành gãy, đơn vị đã phân công cụ thể, từng địa bàn, giao từng cán bộ phụ trách. Bố trí trực 24/24h, nếu có sự cố gãy, đổ cây, đơn vị sẽ điều động triển khai thực hiện ngay.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: Công ty có đường dây nóng đặt tại Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước để tiếp nhận và xử lý thông tin, kịp thời giải quyết các sự cố thoát nước khi mưa đối với từng khu vực, từng vị trí có nguy cơ xảy ra ngập úng (đường dây nóng: 0243.974.62.25/ 0243.976.22.45).

Kiểm soát, giữ mực nước đệm trên hệ thống các sông, hồ điều hòa theo mực nước khống chế được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; Vận hành các trạm bơm, cửa điều tiết trên hệ thống theo các quy trình được duyệt.

Xây dựng phương án ứng trực, kịch bản ứng phó cụ thể cho các điểm úng ngập đã tồn tại nhiều năm và các điểm đọng nước khi mưa lớn; Bố trí sẵn nhân lực và thiết bị phù hợp để giải quyết xử lý trong thời gian nhanh nhất, giảm thiểu thời gian và mức độ úng ngập.

Bão Wipha là cơn bão hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines, sáng ngày 19/7, vượt qua kinh tuyến 120 đi vào Biển Đông (cơn bão thứ 6 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và là cơn bão số 3 trên Biển Đông).

Mặc dù bão chưa vào mà Hà Nội đã xảy ra hiện tượng giông lốc. Khoảng 16h30 ngày 19/6, tại Hà Nội mây đen kéo đến bao trùm khu vực nội thành, sau đó trời chuyển mưa. Trên đường Nguyễn Xiển, mưa lớn dồn dập trút xuống kèm theo giông lốc khiến nhiều phương tiện ngã đổ xuống đường. Nhiều xe máy, thậm chí ô tô không thể di chuyển mà phải dừng lại ở bên đường.

Lý giải về nguyên nhân đợt mưa dông này, Cục Khí tượng Thuỷ văn chia sẻ, các nghiên cứu của Mỹ về dông, lốc sét trong bão cho thấy chỉ quan sát được số lượng rất ít các tia chớp ở lõi trong của bão, áp thấp nhiệt đới. Nhân tố quyết định sự phát triển dông sét là nhờ sự tương tác giữa các tinh thể băng có trong nước lỏng. Do đó thường xuất hiện sấm, chớp hay các ổ dông lốc ở bên ngoài khu vực tâm bão (trên 100km) do có sự kết hợp với các dải mưa đối lưu mạnh. Vì vậy, trong thời gian có cảnh báo bão/áp thấp nhiệt đới người dân cần chú ý đề phòng sự xuất hiện của dông, lốc sét sớm để phòng chống giảm nhẹ rủi ro bất ngờ.

Thùy Chi

Top