Hà Nội chú trọng phát triển tổng thể làng nghề

22/01/2025 7:50 PM

(Chinhphu.vn) - Phát triển làng nghề không những giúp duy trì các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

Hà Nội chú trọng phát triển tổng thể làng nghề - Ảnh 1.

Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống mang lại giá trị kinh tế và góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được công nhận danh hiệu thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị gồm: 5 nghề truyền thống, 269 làng nghề, 60 làng nghề truyền thống, thuộc 6/7 nhóm nghề trên cả nước.

Điển hình như nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 72 làng nghề, nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 24 làng nghề, nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 202 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 14 làng nghề… 

Trong đó, giai đoạn từ 2020 đến nay, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp các Sở, ngành trình UBND Thành phố công nhận danh hiệu cho 35 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.

Những năm qua, các làng nghề trên địa bàn Hà Nội phát triển tương đối ổn định. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt trên 1.300 tỷ đồng; Làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (huyện Thạch Thất) đạt 1.200 tỷ đồng; Làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh) đạt 1.100 tỷ đồng…

Năm 2024, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND Thành phố triển khai phối hợp với Hội đồng Thủ công thế giới đề nghị công nhận hai làng nghề của thành phố Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Đến nay, Hội đồng thủ công thế giới đã có thư thông báo công nhận hai làng nghề Bát Tràng và Vạn phúc trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Hà Nội chú trọng phát triển tổng thể làng nghề - Ảnh 2.

Làng nghề trồng dâu nuôi tằm để làm tơ lụa tại Phùng Xá, huyện Mỹ Đức là một trong những làng nghề nổi tiếng của Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, sản phẩm của các làng nghề ngày một đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ những giá trị mà các làng nghề mang lại đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giúp nhiều xã hoàn thành chỉ tiêu thuộc Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội.

Để thúc đẩy phát triển làng nghề, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành "Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Đề án vừa được thông qua sẽ là đòn bẩy, đóng vai trò quan trọng và cấp thiết, vừa góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại các làng nghề, làng có nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai Đề án. Trong đó, ưu tiên thực hiện 5 nhóm nội dung chính và 8 nhiệm vụ được đề cập trong Đề án, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng, hiệu quả, đạt các mục tiêu cụ thể đã đề ra.

Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội đặt mục tiêu: Giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội khôi phục, bảo tồn được ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển được ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm.

Đến năm 2050, Hà Nội sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 10 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới từ 10 nghề và 20 làng nghề, làng nghề truyền thống trở lên. Đồng thời, phát triển ít nhất 20 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 20 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm.

Thiện Tâm

Top