Hà Nội: Chú trọng xây dựng hạ tầng logistics

20/08/2021 2:59 PM

(Chinhphu.vn) - Chú trọng xây dựng hạ tầng logistics, đầu tư công nghệ, liên kết mạng lưới các doanh nghiệp,…đã và đang là những giải pháp mà TP. Hà Nội triển khai nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy logistics phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ảnh minh họa

Hạ tầng logistics Hà Nội đang ngày càng hoàn thiện. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã tự tổ chức hoạt động logistics. Nói đến hạ tầng logistics phải nói tới hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông, bến cảng, sân bay… Có thể thấy, giao thông Hà Nội hiện rất phát triển, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo đường bộ đã được thực hiện và làm thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông Thủ đô. Hiện có 5 tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với các địa phương... Với hệ thống sông, trên địa bàn Hà Nội hiện có 9 cảng sông có hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ... Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng ngày càng hỗ trợ cho hoạt động logistics.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics. Trong số này, doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 80%, song chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường, do phần lớn đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực. Trong khi đó, một số tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như Kunhe Nagel, Schenker, Bikar, APL Logistics..., lại chiếm khoảng 70% thị phần nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực logistics tại Hà Nội cho biết, dù đã có bước phát triển đáng kể môi trường nhưng điều kiện kinh doanh còn nhiều “điểm nghẽn” khiến chi phí tăng cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó, “Điểm nghẽn” lớn nhất là ở hạ tầng logistics, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu chuyên dụng (như kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa đặc biệt…); việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển trung tâm logistics gặp khó khăn. Các cảng cạn (ICD) còn ít. Về kết nối các loại hình giao thông, các cảng cạn mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa nối liền được với đường sắt và đường sông.

Bên cạnh đó, cản trở lớn đối với phát triển dịch vụ logistics là vấn nạn ùn tắc giao thông, khổ đường hẹp, giới hạn tải trọng phương tiện… đã làm tăng các chi phí của doanh nghiệp.

Để khắc phục “điểm nghẽn”, phá “rào cản” phát triển logistics, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trước hết cần tạo điều kiện để phát triển hạ tầng kho hàng, hệ thống bến bãi, cảng sông, cảng cạn... Tăng cường áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistics bảo đảm sự kết nối giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động logistics; thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu thông tin đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các hãng vận tải, bảo hiểm, hải quan và các doanh nghiệp...

Hiện Hà Nội cũng đã ban hành Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025”. Mục tiêu là phát triển Hà Nội thành một trong ba trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, trung chuyển và nội địa.

Về cơ sở hạ tầng, Hà Nội sẽ xây dựng một trung tâm logistics hạng I (ở phía Bắc) và một trung tâm logistics hạng II (ở phía Nam), quy mô từ 20ha đến 50ha. Các trung tâm này kết nối các cảng cạn, cảng biển (như Hải Phòng, Hòn Gai, Cái Lân) và các cảng hàng không, bến xe, nhà ga, các khu công nghiệp... Đồng thời, xây dựng một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của thành phố đạt từ 9% đến 11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17% đến 21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% đến 65%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14% đến 17% GRDP của thành phố. Đến năm 2025, sẽ đưa vào khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics như 2 trung tâm logistics, 2 cảng cạn ICD, một cảng thủy công-ten-nơ (container) quốc tế, 5 trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng.

Về khía cạnh doanh nghiệp logistics, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Delta International cho rằng, Hà Nội cần nhiều trung tâm logistics, nhiều kho hàng, bến bãi hơn nữa. Nhưng quan trọng nhất là tính liên kết của các yếu tố trong chuỗi logistics, việc kết nối các phương thức vận tải, các chủ thể hoạt động để giảm chi phí logistics và giúp hoạt động này trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu và thương mại nội địa liên tục tăng trưởng thì việc phát triển ngành logistics có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, việc đầu tư công nghệ, phát triển hạ tầng, liên kết tạo thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới để thúc đẩy lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội cũng như cả nước.

Thùy Linh

Top