Hà Nội chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh

05/06/2024 5:36 PM

(Chinhphu.vn) - “Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh” là thông điệp được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động hưởng ứng nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6-2024.

Hà Nội chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh- Ảnh 1.

“Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh” là thông điệp được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động hưởng ứng nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6-2024. Ảnh minh họa

Hà Nội đối mặt với thách thức về môi trường và khí hậu

Là một trong hai trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước, Thủ đô Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền Hà Nội về phát triển đô thị nhưng vẫn bảo vệ được môi trường. Tới đây, khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đặc thù bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Hà Nội hiện có tổng dân số gần 9 triệu người, mật độ dân số cao gấp 8,2 lần so với cả nước. Mặc dù thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt áp lực ngày càng lớn về tốc độ đô thị hóa nhanh đã tác động tiêu cực đến môi trường.

Đánh giá của các cơ quan chức năng cũng như từ thực tiễn cho thấy, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải sinh hoạt, phế thải xây dựng đã gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nan giải này là do gia tăng lượng chất thải sinh hoạt, trong khi đó, việc thu gom và xử lý chưa triệt để. Trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ thu gom, xử lý đạt 80 - 85%. Số rác thải tồn đọng bị vứt đổ bừa bãi tại các kênh, mương, ao hồ hay các khu đất trống, ven trục đường giao thông... dẫn đến môi trường bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi khẳng định, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và khí hậu, nhất là vấn đề ô nhiễm không khí có nguy cơ gia tăng. Đây là điều đáng lo ngại cho sức khỏe người dân Thủ đô, vấn đề cấp bách cần sớm giải quyết.

Về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, ông Tôn Tuấn Nghĩa, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ, Hà Nội là thành phố đứng thứ 8 trên thế giới về ô nhiễm không khí. Trung bình hằng năm, bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội cao gấp 9 lần tiêu chuẩn thế giới.

"Mỗi năm ở Việt Nam có ít nhất 70.000 người tử vong vì căn bệnh liên quan đến hô hấp, do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm và thiêt hại về kinh tế - xã hội khoảng 13 tỉ USD/năm, tương đương 4% GDP của đất nước. Do vậy, không khí sạch là điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững", ông Tôn Tuấn Nghĩa cho hay.

Phân tích nguyên nhân, một số chuyên gia môi trường cho rằng, nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ ngành sản xuất công nghiệp, chiếm 35%; phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch 25%; xây dựng, đốt rác, phụ phẩm nông nghiệp 22%...

Hướng tới một Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, cải thiện môi trường hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững. Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống quan trắc tại các khu vực ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm; công khai kết quả quan trắc trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, dự báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Công tác ngầm hóa hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc kết hợp trồng cây xanh, chỉnh trang hè phố được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, bộ mặt đô thị ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn.

Đặc biệt, Hà Nội chú trọng phát triển các không gian xanh, không gian công cộng ngoài trời phục vụ nhu cầu của cư dân đô thị đã được chú trọng, nhiều không gian công cộng theo dạng tích hợp công viên, vườn hoa, quảng trường và hồ nước được đầu tư xây dựng trong các khu đô thị mới quy mô lớn trên địa bàn thành phố.

Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ ở Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội cần diện tích không gian xanh bình quân 2,43 m2/người.

Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp hệ thống vườn hoa, công viên trong khu vực đô thị trung tâm, tạo nên những không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của Thủ đô.

UBND thành phố Hà Nội đã triển khai kế hoạch, tiến hành xây dựng các dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… Đặc điểm chung của các công viên này là không gian xanh và diện tích mặt nước rộng, có khả năng cân bằng sinh thái, mang đến môi trường sống trong lành và cảnh quan hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho cư dân khu vực.

Các công viên lớn Hà Nội hiện có như: Công viên Thủ Lệ, Bách Thảo (quận Ba Đình), Thống Nhất, Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) có diện tích từ 10-50ha, cùng với các khu vực mặt nước tự nhiên gắn với không gian mở, vườn hoa đã góp phần tạo cảnh quan và cải tạo vi khí hậu cho khu vực. Trong đó, các công viên như: Thủ Lệ, Thống Nhất, Tuổi Trẻ đã có quy hoạch chỉnh trang, nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại, tăng cường cơ sở vật chất, đáp nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi đang tăng nhanh…

Với nhiều nỗ lực các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh trên địa bàn TP. Hà Nội đã và đang được cải thiện, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại trong các chỉ tiêu tăng trưởng. Cụ thể, quỹ đất dành cho tăng tỉ lệ diện tích cây xanh còn hạn hẹp. Các công viên, vườn hoa được quản lý hiện là những công trình đã hình thành từ lâu, trải qua nhiều thời kỳ phát triển và tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận nội thành (4 quận nội thành cũ), với kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật ở mức khá và trung bình.

Các công viên, vườn hoa chủ yếu tập trung nhiều ở các quận nội thành nhưng phân bố không đồng đều. Hiện TP. Hà Nội đang rất thiếu những không gian xanh, sân chơi tại các khu dân cư tập trung đông như: Khâm Thiên, Văn Chương ở Đống Đa, khu vực Hoàng Mai, Hai Bà Trưng… Đáng chú ý, việc tìm quỹ đất trống để xây dựng các công viên, vườn hoa tại những khu vực này rất khó khăn.

Cần thiết phải phát triển cải tạo và tái thiết các không gian đô thị xanh

Trong bối cảnh đó, với những hạn chế và thách thức đang phải đối diện, PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần thiết phải phát triển cải tạo và tái thiết các không gian đô thị xanh, đặc biệt là đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội. Bởi trong những năm qua, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, quá trình mở rộng và phát triển đô thị đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh của đô thị hóa, gia tăng nhanh chóng của dân số cơ học đã tạo ra nhiều thách thức về chất lượng môi trường sống.

Cụ thể, trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, hệ thống vành đai xanh, hành lang xanh được xem là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển hướng tới một đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Thế nhưng, hiện tại hệ thống vành đai xanh, hành lang xanh đang bị xâm phạm, bị chia cắt nhỏ, thiếu sự kết nối thành tuyến, trục, để tạo ra không gian xanh thực sự cho đô thị.

Mặc dù thời gian qua Hà Nội đã và đang chú trọng việc phát triển các không gian công cộng, không gian xanh. Hình thái và mô hình phát triển chủ yếu tại các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã tạo nên bộ mặt đô thị hấp dẫn, tuy nhiên việc phát triển hỗn hợp (cao tầng, thấp tầng) làm mật độ xây dựng tăng cao, còn thiếu các không gian, chức năng công cộng, công viên vườn hoa.

PGS.TS Lê Quân cho biết, trong dự thảo định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh rõ quan điểm phát triển không gian xanh, không gian công cộng đô thị. Cụ thể, phát triển không gian theo chiều cao trên mặt đất, hạ thấp tỉ lệ diện tích đất cho xây dựng, tăng không gian xanh, không gian công cộng, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước...

Bên cạnh đó, mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, xây dựng đô thị đặc sắc kết hợp cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử hòa quyện với các lợi thể cảnh quan thiên nhiên có chất lượng môi trường cao...

Nhấn mạnh vai trò của không gian xanh đô thị, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp 1 cho rằng, không gian xanh đô thị có vai trò rất quan trọng trong cung cấp môi trường sống sạch bền vững và chất lượng cao cho cư dân thành phố. Vì vậy, ngoài yếu tố bảo tồn không gian mặt nước, không gian xanh đô thị luôn được chú ý trong quy hoạch và hoạch định chính sách đô thị.

Không gian xanh đô thị đề cập đến tất cả các không gian mở đô thị được bao phủ bởi thảm thực vật theo thiết kế hoặc mặc định. Các không gian xanh đô thị gồm công viên, vườn cây, đất, mặt nước và cây xanh, rừng, các loại hình sử dụng đất canh tác và các địa điểm văn hóa, lịch sử. GS.TS Phạm Văn Điển nhấn mạnh: "Hà Nội là Thủ đô của đất nước, do đó, phát triển xanh tại Thủ đô tự thân trở thành một nhu cầu tất yếu"

Trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, Hà Nội cần phải ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống; tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu đô thị; khai thác có hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh.

Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Hà Nội có những màu xanh đặc trưng của từng con phố, những hàng cây cổ thụ đã là hình ảnh quen thuộc từ bao lâu nay, trở thành tình yêu, nỗi nhớ của người Hà Nội và cả những du khách khi đến với Thủ đô. Những hàng cây ấy đã mang lại những vẻ đẹp riêng cho từng đường phố, vừa sinh động, vừa có hồn. Những loài cây của Hà Nội đã đi vào thơ ca, văn học và còn rất nhiều loài cây tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, đặc sắc cho Hà Nội. Đây có thể là màu xanh của Hà Nội, màu xanh của quá khứ, hiện tại và tương lai, của Thủ đô văn hiến, hiện đại, của thành phố vì hòa bình.

Cùng chung tay hành động quyết liệt bảo vệ môi trường

Để giải quyết tốt bài toán không gian xanh đô thị, GS.TS Phạm Văn Điển cho rằng, cần ứng dụng công nghệ viễn thám, không gian đô thị xanh để phân tích, định lượng hóa mô hình cấu trúc không gian cảnh quan phù hợp với đặc điểm phát triển của đô thị và yêu cầu nâng cao chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị. Quy hoạch, thiết kế không gian xanh đô thị cần được tiến hành đồng bộ với các hạng mục quy hoạch xây dựng khác của đô thị; nghiên cứu chọn giống cây trồng phù hợp.

Sự liên kết giữa các mảng xanh, vành đai xanh, hành lang xanh (giữa ao, hồ với sông và kênh, mương; giữa vườn hoa, công viên với các hành lang, vành đai cây xanh) và đặc biệt với diện tích rừng cần đảm bảo tính liên tục. Qua đó tạo sự kết nối giữa các mảng xanh, hành lang xanh trong đô thị với vùng ngoại ô và nông thôn, tôn trọng tiêu chí quy định về kích thước cũng như nội dung thiết kế cấu trúc hành lang, vành đai cây xanh theo hướng gần với tự nhiên.

GS.TS Phạm Văn Điển lưu ý, cần nâng cao tính đa dạng sinh học đô thị thông qua giải pháp kết nối giữa các mảng xanh, hành lang xanh trong đô thị với các vùng nông thôn, rừng núi ở ngoại ô và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp cảnh quan gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Các trục không gian lợi thế (như Đại lộ Thăng Long) có thể thiết kế cải tạo thành dạng hành lang cảnh quan sinh thái kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học. Đối với không gian mặt nước, cần quy hoạch thiết kế hệ thống thu gom nước thải, cải tạo bờ nước theo hướng tôn trọng tự nhiên, phục hồi sinh thái. Nghiên cứu, tuyển chọn giống cây và đánh giá khả năng cải tạo môi trường của các cây thủy sinh trồng ven bờ và trong môi trường nước nước để vừa làm đẹp cảnh quan, tăng cường khả năng tự làm sạch nước, vừa bảo vệ bờ nước và ngăn cản rác, vật hữu cơ trôi theo nước mưa xuống ao, hồ, sông và kênh, mương…

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang là thách thức, tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024 vừa diễn ra mới đây do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp tổ chức, Trưởng đại diện Thường trú cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, Hà Nội cần ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Bởi, không khí ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ sức khỏe đến kinh tế và cả phúc lợi của các thế hệ tương lai.

Giám đốc Tổ chức Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng Đỗ Vân Nguyệt khẳng định, Hà Nội cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan, như: Chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế cùng cam kết thực hiện mạnh mẽ các biện pháp quản lý và xử lý nguồn phát thải gây ô nhiễm để xây dựng thành phố xanh, sạch...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng chất lượng không khí, thành phố giao các sở, ngành kiểm kê, lượng hóa các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí để xử lý.

Thành phố Hà Nội sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách quản lý, phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường, cơ chế khuyến khích sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chạy xe trong các đô thị; đầu tư phát triển giao thông công cộng trong các đô thị; xây dựng cơ chế, chính sách về kiểm định, kiểm soát khí thải từ phương tiện cơ giới đang lưu hành...

Trong sản xuất công nghiệp, thành phố tái cấu trúc ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu tốn ít năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo; di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi làng nghề theo quy định… Tuy nhiên, đó là giải pháp lâu dài. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tích cực phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đẩy mạnh phong trào "Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh" đến mọi người dân.

Theo đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cam kết phát động đến mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trồng thêm một cây xanh, mỗi cơ sở hội chăm sóc một công trình cây xanh, phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng cách; tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác… Đồng thời, mỗi hội viên phụ nữ sẽ là một tuyên truyền viên, tích cực lan tỏa những hành động đẹp để bảo vệ môi trường.

Mới đây, trong Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, việc ưu tiên bảo vệ môi trường là 1 trong 7 vấn đề được Bộ Chính trị đặc biệt lưu ý và yêu cầu triển khai cấp bách.

Với định hướng tại Kết luận số 80-KL/TƯ, thời gian tới, ngoài hệ thống các giải pháp đang triển khai, Hà Nội sẽ thực hiện hoàn thiện quy hoạch theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đó chú trọng đến việc phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Hà Nội cũng tập trung nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Đáng chú ý, trong những giải pháp dài hạn, thành phố tập trung phát triển, mở rộng hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời, giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập…

Ngày Môi trường thế giới 5-6 là ngày lễ quốc tế lớn nhất dành cho môi trường. Được dẫn dắt bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và được tổ chức hằng năm từ năm 1973, ngày này đã phát triển thành nền tảng toàn cầu lớn nhất để lan tỏa thông điệp về môi trường với sự tham gia hàng triệu người trên toàn thế giới.

Tại Hà Nội, Ngày Môi trường Thế giới là dịp các trường học, cộng đồng, doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị, các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhìn lại, ghi nhận và thúc đẩy các hành động chung tay vì một Hà Nội xanh, là cơ hội để huy động sức mạnh cá nhân và tập thể cùng chung tay xây dựng TP Hà Nội xanh, sạch, thực hiện mục tiêu tạo nền kinh tế xanh cho tương lai phát triển bền vững, hướng đến một thành phố khỏe mạnh và đáng sống.

Với thông điệp "Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh", thành phố Hà Nội mong muốn cả cộng đồng hãy cùng hành động vì một thành phố xanh, để có một môi trường sống với không khí sạch, không gian xanh, hiện đại.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong muốn nhận được nhiều sáng kiến hay từ các tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia, đồng thời lan tỏa hành động bảo vệ môi trường đến người dân trên địa bàn Thủ đô…

Thùy Chi

Top