Hà Nội chuyển biến tích cực về trách nhiệm giải quyết công việc
(Chinhphu.vn) - Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, công tác theo dõi, đánh giá cán bộ dựa trên kết quả công việc cụ thể; đo lường mức độ hài lòng của người dân; xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phù hợp với mô hình quản lý chính quyền đô thị.
Sau một năm triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội", Thành ủy Hà Nội nhận định, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền Thành phố có nhiều đổi mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành.
Thành phố đã đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền và thực hiện phương châm 5 rõ "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả" trong giải quyết công việc; nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Toàn hệ thống chính trị tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc; đoàn kết, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, ảnh hưởng của bão số 3 tại địa bàn…
Chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong giải quyết công việc
Sau một năm đưa chỉ thị vào cuộc sống, các địa phương, đơn vị đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Đối với huyện Mê Linh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát cơ sở.
Mê Linh cũng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong giải quyết công việc theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội.
Là một trong 7 địa phương của Hà Nội có đường Vành đai 4 đi qua, đến nay, toàn huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất nông nghiệp; hoàn thành xây dựng hạ tầng 3 khu tái định cư, tổ chức cho người dân bốc thăm nhận đất và xây dựng nhà tại nơi ở mới...
Huyện đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng khung, giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, sớm hoàn thiện thủ tục giao đất dịch vụ cho người dân...
Huyện ủy cũng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện tới cơ sở trong giải quyết công việc; gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu.
Tăng kiểm tra công vụ, sáng kiến giải quyết công việc
Để triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, Ban Thường vụ Quận ủy Hà Đông đã chỉ đạo tập trung thực hiện 34 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với từng cơ quan, đơn vị; đưa nội dung liên hệ nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc vào nội dung đánh giá hằng tháng, kiểm điểm đảng viên hằng năm.
Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
UBND quận đã kịp thời điều chỉnh Quy chế làm việc của UBND quận, nhiệm kỳ 2021-2026; ban hành các quyết định phân công nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên UBND quận, nhiệm kỳ 2021-2026. Đối với việc tổ chức các phiên họp đều được thực hiện đúng quy định và quy chế. Sau các phiên họp, UBND quận ban hành thông báo kết luận gửi cho các cơ quan, đơn vị và UBND phường. UBND quận chỉ đạo tăng cường hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; thường xuyên thực hiện kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ cương hành chính, bảo đảm hoạt động của bộ máy chính quyền thông suốt, liên tục.
UBND quận đã chỉ đạo đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ phụ trách từng mảng công việc, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để cải thiện từng chỉ số cải cách hành chính.
Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2024, 100% nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính của quận đề ra đã được triển khai thực hiện đầy đủ theo đúng tiến độ.
Quận ủy Hà Đông tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ nhiều hơn nữa từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị quận
Triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, huyện Đan Phượng đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị. Tính riêng trong năm 2023, toàn huyện triển khai 40 sáng kiến, ý tưởng, mô hình, trong đó nhiều mô hình hoạt động hiệu quả được thành phố ghi nhận, thông tin rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, quận, huyện thuộc thành phố như mô hình lập trang Zalo Official trong công tác cải cách hành chính…
Theo UBND TP. Hà Nội, hàng năm Thành phố ban hành các kế hoạch kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kiểm tra chuyên đề nhằm thường xuyên chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Thành phố đã tăng cường hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; lãnh đạo Thành phố tăng cường đi kiểm tra hiện trường, cơ sở, tiếp xúc với người dân để nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay tại cơ sở.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc, công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, Thành phố ban hành văn bản về rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Trong đó, yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền; không tham mưu, đề xuất những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố lên chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
UBND Thành phố đã thành lập Tổ giúp việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố giao. Tổ công tác đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc thường xuyên, tổ chức họp, giao ban trực tiếp va trực tuyến đôn đốc, kiểm đếm công việc, góp phần giảm số lượng nhiệm vụ quá hạn so với trước khi thành lập Tổ công tác.
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, cụ thể và khả thi liên quan đến công tác quản lý, phát huy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với mô hình quản lý chính quyền đô thị.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, công tác theo dõi, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc cụ thể; bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, có chế độ đãi ngộ, chính sách hợp lý cho đội ngũ cán bộ.
Tiếp tục triển khai đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, coi đây là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.
Gia Huy