Hà Nội có 33 dự án FDI được cấp phép mới trong tháng 11

05/12/2023 8:08 AM

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 11, thành phố Hà Nội thu hút 49,7 triệu USD vốn FDI. Hà Nội là một trong 4 địa phương có số dự án FDI đầu tư mới nhiều nhất (chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng).

Hà Nội có 33 dự án FDI được cấp phép mới trong tháng 11- Ảnh 1.

Hà Nội đang tiếp tục được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trong đó có 33 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 13,9 triệu USD; 16 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 27,5 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 13 lượt, đạt 8,3 triệu USD. 

Tính chung 11 tháng năm 2023, toàn Thành phố Hà Nội thu hút 2.659 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 378 dự án với số vốn đạt 335 triệu USD; 157 lượt dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 270 triệu USD; 299 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.054 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), thu hút đầu tư nước ngoài FDI 11 tháng của cả nước đạt gần 29 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023. "Vốn đầu tư thực hiện các dự án FDI tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất kinh doanh. 

Đặc biệt, số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ, tập trung nhiều vào các tỉnh, Thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI gồm cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư,… như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng.

Theo báo cáo của Thành phố Hà Nội, kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biết động khó lường; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp; lạm phát neo ở mức cao; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; ngoài ra, nhiều thiên tai bất thường và nghiêm trọng xảy ra đã cản trở tiến trình phục hồi kinh tế thế giới… đã tác động ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và cầu tiêu dùng giảm sút trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Trước tình hình đó, Thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của Chính phủ, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết trong tình hình đó, các hoạt động xúc tiến của Thành phố trong những tháng cuối năm đã có các thay đổi linh hoạt, đổi mới kịp thời. Trong 6 tháng cuối năm HPA đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và kết nối đầu tư.

Trong giai đoạn quy hoạch phát triển Thủ đô tầm nhìn 2030 - 2034, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các lợi thế của Thủ đô.

TP. Hà Nội cũng tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…

Tiếp đến là các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Mới đây Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho UBND TP. Hà Nội quản lý. Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghệ cao Hoà Lạc có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm đến một vị trí là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đến nay, khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380ha. Trong 106 dự án của nhà đầu tư nêu trên có 60 dự án đang hoạt động góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề.

Minh Anh

Top