Hà Nội có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
(Chinhphu.vn) - Ngày 29/12, đoàn thẩm định nông thôn mới TP. Hà Nội đã tổ chức đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: Thượng Mỗ, Trung Châu, Phương Đình (huyện Đan Phượng). Qua thẩm định cả 3 xã đều đủ điều kiện trình UBND Thành phố xem xét, công nhận đạt chuẩn năm 2022.
Cụ thể, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đảng uỷ 3 xã: Thượng Mỗ, Trung Châu, Phương Đình đã ban hành nghị quyết về việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng uỷ, UBND các xã đã ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện nâng cấp các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.
Theo đó, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của nhân dân, đến nay, 3 xã: Thượng Mỗ, Trung Châu và Phương Đình đã đạt 2 tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là thu nhập (cao hơn 10% mức bình quân đầu người đối với xã nông thôn mới nâng cao) và mô hình thôn thông minh.
Đối với xã Phương Đình, chất lượng giáo dục & đào tạo ngày càng được nâng cao. Xã có thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được quan tâm; trạm y tế xã được xây dựng mới năm 2017, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Kết quả tự đánh giá xã Phương Đình đã đạt 2/8 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Giáo dục & đào tạo và Y tế.
Đối với xã Thượng Mỗ, trong số 8 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xã tự đánh giá đạt 3 tiêu chí gồm: Giáo dục & dào tạo, y tế và văn hoá. Trong đó, xã giữ vững phổ cập tiểu học và THCS đúng độ tuổi; 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Mô hình "Bác sĩ gia đình" được triển khai hiệu quả; tỷ lệ quản lý sức khoẻ toàn dân đạt gần 95,6%; 100% số thôn cũng đã có nhà văn hoá, trung tâm thể thao…
Tại xã Trung Châu, địa phương đã tự đánh giá đạt 2 tiêu chí gồm: Giáo dục & đào tạo và Y tế. Đến nay, 2/2 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đồng thời xã cũng được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Xã tổ chức tốt quản lý sức khoẻ toàn dân và mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình…
Trong hai năm thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (2021 - 2022), 3 xã đã huy động được lần lượt hơn 179 tỷ đồng, gần 83,8 tỷ đồng và khoảng 96 tỷ đồng để nâng cao các tiêu chí. Đến nay, cả 3 xã đều không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.
Qua chấm điểm, đánh giá đoàn thẩm định nông thôn mới TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra thực tế việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của 3 xã: Thượng Mỗ, Trung Châu, Phương Đình. Tuy vẫn còn những tồn tại nhưng căn cứ Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội và Hướng dẫn số 228/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội, các thành viên đoàn thẩm định thống nhất đề xuất 3 xã đủ điều kiện trình UBND TP. Hà Nội xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên các lĩnh vực theo tự đánh giá của mỗi địa phương.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, những năm qua, huyện Đan Phượng luôn là lá cờ đầu của thành phố trong xây dựng nông thôn mới nói chung. Tính đến nay, cả 5/5 địa phương được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đều là các xã thuộc huyện Đan Phượng.
Đồng thời đề nghị chính quyền 3 xã: Thượng Mỗ, Trung Châu, Phương Đình cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý điều hành chính quyền, tuyên truyền, vận động, giám sát của MTTQ và các đoàn thể xã hội, tiếp tục giữ vững, phấn đấu xứng đáng là xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, cần huy động mọi tiềm năng, nội lực, huy động sức dân, sự tham gia chung sức đồng hành của các doanh nghiệp; đặc biệt là vận dụng hiệu quả chính sách của nhà nước để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đạt 5 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu còn lại để trở thành những xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện trong giai đoạn tới.
Thiện Tâm