Hà Nội đã có 9/42 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử
(Chinhphu.vn) - Hiện nay, thành phố Hà Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng hiện chỉ có 8 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử. Vì vậy, việc tiếp tục mở rông, phát triển mô hình này tại các bệnh viện là hết sức cần thiết để thích ứng, phù hợp với xu thế chung của y học hiện đại.
Ngày 30/11, Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã tổ chức hội nghị thẩm định bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 9 của thành phố Hà Nội triển khai hệ thống này.
Tham dự có PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội; lãnh đạo và chuyên viên phòng Quản lý bảo hiểm và Công nghệ thông tin Sở Y tế; thành viên Hội đồng thẩm định; Ban Giám đốc và lãnh đạo các khoa phòng của Bệnh viện đa khoa Đông Anh; đại diện Bảo hiểm xã hội huyện Đông Anh…
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng hiện chỉ có 8 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bao gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức; Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai.
Bệnh viện đa khoa Đông Anh là bệnh viện đa khoa hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, với 15 khoa lâm sàng, 5 khoa cận lâm sàng và 5 phòng chức năng. Bệnh viện có quy mô 430 giường bệnh kế hoạch, tổng số giường thực kê là 572 giường. Trong năm 2023, bệnh viện đã thực hiện khám cho hơn 257.300 lượt bệnh nhân; số bệnh nhân điều trị nội trú hơn 30.000 bệnh nhân.
Bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh và quản lý bệnh viện. Bệnh viện từng bước đưa vào áp dụng việc thanh toán điện tử, chữ ký số, lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay thế cho in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay thế cho việc in giấy, sử dụng các phần mềm bệnh viện…
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bước đi tất yếu và cấp bách giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe cộng đồng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành Y tế trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức của tập thể lãnh đạo và nhân viên y tế trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số là rất quan trọng, đơn vị cần đẩy mạnh xây dựng quy trình chuyển đổi số trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Hà Nội đã triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường kết nối, liên thông làm giàu dữ liệu; mở rộng triển khai bệnh án điện tử đến toàn bộ cơ sở y tế. Qua đó, tạo môi trường làm việc số, tư duy số đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh.
Tại hội nghị, đại diện Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã báo cáo kết quả xây dựng bệnh án điện tử theo Thông tư 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 và Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế.
Sau khi nghe báo cáo, Hội đồng thẩm định đã tiến hành khảo sát, kiểm tra cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống HIS (hệ thống quản lý thông tin bệnh viện), LIS (hệ thống thông tin phòng xét nghiệm), RIS (hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh), PACS (hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh) và một số khoa lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh viện, qua đó đánh giá quy trình thực hiện bệnh án điện tử trên hệ thống theo quy định của Bộ Y tế.
Kết quả, việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin của bệnh viện đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thống nhất Bệnh viện đa khoa Đông Anh đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.
Kết luận buổi làm việc, PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị bệnh viện tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định đầy đủ, chi tiết hơn, tiếp tục nâng cấp và bổ sung thiết bị, phần mềm để phục vụ tốt cho việc triển khai bệnh án điện tử chính thức.
Cùng với đó, bệnh viện cần xây dựng quy chế hoạt động chi tiết về triển khai thực hiện bệnh án điện tử, phân cấp sử dụng chữ ký số; đảm bảo an toàn thông tin lưu trữ dữ liệu, cơ sở hạ tầng đủ điều kiện để sử dụng bệnh án điện tử; nâng cấp đường truyền đảm bảo việc kết nối luôn thông suốt.
Ngoài ra, bệnh viện cần đảm bảo hệ thống lưu trữ dữ liệu, xây dựng kế hoạch lưu trữ dữ liệu hàng năm, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin để triển khai phần mềm chính xác, hiệu quả hơn, kết nối liên thông với các phần mềm khác.
Bệnh viện đa khoa Đông Anh triển khai thí điểm bệnh án điện tử từ cuối năm 2023. Việc ứng dụng bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy là bước đi đột phá quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số của ngành Y tế. Bệnh án điện tử giúp giảm sai sót về chuyên môn; nâng cao hiệu quả, chất lượng, giúp lưu trữ chi tiết thông tin lịch sử của người bệnh; tăng cường tính tương tác giữa người bệnh và nhân viên y tế.
Đồng thời, bệnh án điện tử giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, đồng bộ thông tin từ lúc tiếp nhận đến khi ra viện, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ và người bệnh, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho người bệnh.
Thiện Tâm