Hà Nội: Đã giảm được 419 dự án có sử dụng đất chậm triển khai

04/07/2023 9:32 AM

(Chinhphu.vn) - Qua rà soát, UBND TP. Hà Nội cho biết đã giảm được 419 dự án (tương đương 58,8%) của tổng số 712 dự án chậm triển khai. Sau kỳ họp HĐND đang diễn ra, Chủ tịch UBND Thành phố tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm như: Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức…

Hà Nội: Đã giảm được 419 dự án có sử dụng đất chậm triển khai - Ảnh 1.

Tại phiên họp sáng 4/7 của kỳ họp HĐND TP. Hà Nội, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ của phiên thảo luận chiều ngày 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà cho biết, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Thành phố trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Từ đó, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn và phục hồi, các cân đối lớn được đảm bảo, thể hiện ở tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của các nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Công tác quy hoạch tiếp tục được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, Hạ tầng giao thông đô thị tiếp tục được đầu tư xây dựng...

Các đại biểu đã thảo luận, nhấn mạnh và bổ sung thêm một số tồn tại, hạn chế như cần đánh giá kỹ hơn tồn tại vướng mắc trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm, các dự án trọng điểm của Thành phố. Việc thu ngân sách từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương còn thấp dẫn đến ảnh hưởng cân đối nguồn vốn đầu tư công...

Qua kiểm tra đã giảm 419/712 dự án chậm triển khai

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của đại biểu phát biểu tại 5 tổ thảo luận, thay mặt UBND Thành phố, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung cử tri quan tâm với một số nội dung đáng chú ý.

Về những vấn đề liên quan đến thu ngân sách và khơi thông nguồn lực của nền kinh tế, bên cạnh các biện pháp quyết liệt hiệu quả, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt kiểm tra, thu hồi các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai (712 dự án, tổng diện tích đất được cấp cho các dự án trên là hơn 5.000ha) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung thu hút các nguồn lực để phát triển. 

"Qua rà soát, đã giảm được 419 dự án (tương đương 58,8%) của tổng số 712 dự án chậm triển khai", Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết.

Số dự án còn lại cần tiếp tục xử lý vẫn còn khá lớn: 50/135 dự án chưa được giao đất; 150/404 dự án đã được giao đất tiếp tục cần các cơ quan hậu kiểm, giám sát việc xử lý; 93/173 dự án do các quận, huyện, thị xã phát hiện đề xuất.

Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết, Chủ tịch UBND Thành phố đã trực tiếp chủ trì làm việc với các sở, ngành để xem xét, chỉ đạo xử lý, giải quyết cụ thể đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã. Thời gian qua, đã làm việc với các quận, huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.

"Ngay sau kỳ họp HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm, như: Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức....", Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết.

Liên quan đến nhóm các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị, vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải thông tin, thành phố xác định tiếp tục tập trung hoàn thành 3 nội dung quan trọng trong năm 2023: Xây dựng Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô; Luật Thủ đô sửa đổi nhằm xây dựng thể chế phát triển đồng bộ.

Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường sắt đô thị, các cầu vượt sông Hồng… Hiện nay, các Bộ đang tập trung xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, trong bối cảnh UBND Thành phố đang tổ chức triển khai lập đồng thời Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô theo phương pháp tích hợp quy hoạch.

Trong quá trình triển khai, các nội dung về hạ tầng, liên kết vùng, các vấn đề xử lý ô nhiễm nguồn nước, môi trường, và các vấn đề xã hội dân sinh sẽ được tập trung tích hợp vào các quy hoạch làm căn cứ huy động nguồn lực để đầu tư giải quyết.

Đồng thời, UBND Thành phố cũng đang khẩn trương phối hợp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, nhằm tạo hành lang pháp lý đặc thù cho xây dựng và phát triển Thủ đô. "Ngoài ra, đối với các vấn đề dân sinh bức xúc và các đại biểu có ý kiến như vấn đề chung cư cũ, ô nhiễm môi trường… UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành tiếp tục triển khai giải quyết với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, và phục vụ Nhân dân.

Sớm hình thành 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số

Liên quan đến vấn đề chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, biên chế, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

Tới đây, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền (làm rõ thẩm quyền chung, thẩm quyền riêng, chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, cá thể hóa nhiệm vụ từng đơn vị, phân công giữa các đơn vị và thực hiện phân công theo tinh thần 5 rõ).

Hà Nội cũng sẽ xây dựng các phần mềm liên thông theo các nhóm công việc (để quản lý các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, thu chi ngân sách liên quan đến các bộ phận ở cấp quận, huyện, xã phường....); xây dựng các quy chuẩn tiêu chuẩn định mức đơn giá để phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới tiết kiệm, hiệu quả để đảm bảo nguyên tắc tính đúng tính đủ và quản lý theo kết quả sản phẩm đầu ra.

Trong công tác chuyển đổi số, ông Hà Minh Hải cho biết, tới đây, UBND Thành phố sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung cơ bản của chuyển đổi số: Số hóa thực thể (định danh cá nhân, đất đai, nhà cửa, định vị, bản đồ số, thông tin tài liệu hành chính công…) phục vụ người dân, doanh nghiệp; số hóa quy trình (phương thức phối hợp các hoạt động trong hệ thống); rà soát, xây dựng cơ chế, hoặc kiến nghị những quy định không thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố; chuyển đổi số, chính là thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm dịch vụ với 3 nền tảng (hạ tầng truyền thống được thông minh hóa, hạ tầng truyền thống, văn hóa số) hướng tới hình thành 3 trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số.

Gia Huy

Top