Hà Nội đã thực sự là một cực tăng trưởng về kinh tế

07/10/2024 3:40 PM

(Chinhphu.vn) - Với quy mô và vị thế kinh tế như hiện nay, Hà Nội đã thực sự là một cực tăng trưởng lớn ở vùng đồng bằng và cả nước. Hà Nội cần phát huy vai trò cực tăng trưởng đã có để thực sự đóng vai trò động lực phát triển: Kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển của cả miền Bắc và cả nước.

Hà Nội đã thực sự là một cực tăng trưởng về kinh tế- Ảnh 1.

Với quy mô và vị thế kinh tế như hiện nay, Hà Nội đã thực sự là một cực tăng trưởng lớn ở vùng đồng bằng và cả nước - Ảnh: VGP/Gia Huy

Hà Nội cần phát huy vai trò cực tăng trưởng để kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển 

Trao đổi về kinh tế Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), PGS.TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, quy mô kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng so với cả nước đã từ mức gần 20% năm 1995 lên khoảng 30% hiện nay. Quy mô kinh tế của Hà Nội so với cả nước đã tăng từ khoảng 5,5% lên 10% năm 2005 và sau khi mở rộng Hà Nội vào năm 2008 đã tăng lên 13,6% và hiện ở mức 12,6% (2023).

Với quy mô và vị thế kinh tế như hiện nay, Hà Nội đã thực sự là một cực tăng trưởng lớn ở vùng đồng bằng và cả nước và với vị thế là Thủ đô, Hà Nội rõ ràng cần phát huy vai trò cực tăng trưởng đã có để thực sự đóng vai trò động lực phát triển: Kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển của cả miền Bắc và cả nước.

Theo PGS.TS. Bùi Tất Thắng, với quy mô dân số hơn 8 triệu người và sức hấp dẫn nhập cư rất lớn, Hà Nội luôn có nguồn nhân lực dồi dào. Hơn nữa, với cơ chế tự chọn lọc của vị thế kinh đô, Hà Nội luôn là nơi hội tụ của nhân tài, tinh hoa và đội ngũ đông đảo nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực mà không nơi nào có được. Vì vậy, khâu đột phá về nhân lực của Thủ đô Hà Nội trước hết là phát huy tối đa hiệu quả nguồn nhân lực này để phát triển.

Hơn nữa, Hà Nội là vùng đất không nhiều tài nguyên khoáng sản có thể khai thác kinh tế theo quy mô, nhưng là Thủ đô có diện tích lớn thứ 8 trên thế giới, không chỉ có dư địa phát triển, mà còn là nguồn vốn không gian tài chính (vốn hóa từ đất) rất lớn. Ngoài ra, so với không ít Thủ đô trên thế giới, trời phú cho Hà Nội nguồn tài nguyên nước cũng rất dồi dào. Vấn đề là các chính sách bảo vệ và khai thác với giá cả hợp lý, chất lượng tốt để phục vụ phát triển.

Về nguồn vốn tài chính, so với các địa phương khác trong nước, Hà Nội có quy mô kinh tế lớn, số lượng doanh nghiệp nhiều, thu ngân sách lớn, mức thu nhập và đời sống cư dân cao hơn, nguồn tiền tích lũy trong xã hội cũng sẽ nhiều hơn. Vì thế, rất cần một chính sách để đưa được nguồn tiền này (cùng với nguồn vốn hóa từ đất) vào hoạt động sản sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Với những nguồn lực nội tại to lớn như trên nhưng tính bình quân trong khoảng hơn 10 năm qua, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Hà Nội tuy không quá thấp (5,35%/năm), cao hơn so với cả nước, nhưng thấp hơn so với bình quân chung vùng đồng bằng sông Hồng. Một chỉ báo kinh tế khác là mật độ kinh tế của Hà Nội tuy có xu hướng tăng tính theo quy mô: năm 2010, giá trị GRDP/km2 của Hà Nội đạt khoảng 106,4 tỷ đồng, năm 2020 tăng lên gần 320,8 tỷ đồng, nhưng lại giảm đi tương đối: năm 2010 cao gấp 12,8 lần bình quân chung cả nước, đến năm 2020 giảm đi còn 12,6 lần.

Như vậy, theo PGS.TS. Bùi Tất Thắng, trong điều kiện chung của một quốc gia đang phát triển, mức GDP/người chưa cao (năm 2023 mới đạt 4.284,5 USD), nhưng xét về độ tập trung nguồn lực, Hà Nội là nơi có các nguồn lực nội tại rất to lớn so với các địa phương khác (GRDP/người năm 2023 đạt 6.348 USD, cao hơn bình quân toàn quốc gần 1,5 lần). Vì thế, cần phát huy hiệu quả hơn các nguồn lực này để phát triển không chỉ cho Thủ đô mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.

Hà Nội đã thực sự là một cực tăng trưởng về kinh tế- Ảnh 2.

Hà Nội cần phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tiếp tục liên kết vùng trong phát triển kinh tế Thủ đô

PGS.TS. Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm phát triển vùng, là nơi có các nguồn tốt nhất ở miền Bắc để triển khai thực hiện liên kết vùng vì sự phát triển trước hết của chính Thủ đô bền vững, và sau đó là thực hiện vai trò kiến tạo, dẫn dắt các địa phương/vùng xung quanh cùng phát triển.

Trên thực tế, Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ một số công trình hạ tầng, trước hết là hệ thống giao thông kết nối ở tầm vùng (Đường vành đai 4, định hướng Vành đai 5) có kết quả. Phát huy thành quả ban đầu này, Thành phố cần tiếp tục duy trì và phổ cập từ duy vùng trên nhiều phương diện, chính sách để thực sự đóng vai trò động lực phát triển của miền Bắc và cả nước.

Ngoài ra, Hà Nội cần đi đầu trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và bảo vệ môi trường Chương trình chuyển đổi sang kinh tế số tuy rất mới mẻ và không ít thách thức, nhưng là xu hướng chung mang tính toàn cầu và được Chính phủ xác định là một trong những Chương trình tập trung ưu tiên quốc gia.

Hà Nội cần tập trung các nguồn lực để đi đầu trong quá trình chuyển đổi kinh tế số này. Đồng thời, phát triển kinh tế xanh (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và lối sống xanh) gắn với bảo vệ môi trường không chỉ là xu hướng chung, mà còn là yêu cầu thực tiễn bức xúc thường ngày trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và là một cam kết chính sách của Chính phủ trước toàn dân và cộng đồng thế giới.

Hà Nội cũng đã đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, làm sống lại các dòng sông như một trong những ưu tiên hàng đầu trong những năm sắp tới, coi đó là một trong những điều kiện nền tảng để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Trao quyền chủ động, sáng tạo - bước ngoặt bứt phá cho Hà Nội

Đánh giá về thành tựu phát triển của Thủ đô, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội chuyển mình, vươn mình cùng cả nước, qua mỗi giai đoạn, đạt được những bước tiến có giá trị lịch sử, mang lại những niềm tự hào chính đáng.

Tuy nhiên Thủ đô Hà Nội có tiềm năng lớn, lợi thế nhiều, khát vọng và quyết tâm phát triển mãnh liệt nhưng những kết quả thực tế mà Hà Nội đạt được trong giai đoạn cải cách thị trường, mở cửa - hội nhập gần 40 năm qua khó có thể nói là đã "đến tầm và xứng tầm".

Nguyên nhân do cách phát huy tiềm năng, lợi thế ít tính "thực chiến thị trường", thực tế phát huy còn kém hiệu quả lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội suốt nhiều năm qua (thậm chí còn gây tác động ngược) vì thiếu cơ chế khuyến khích tài năng có hiệu lực thực tế là một minh chứng.

Hay tiềm năng thu hút và phát huy sức mạnh vượt trội của số đông doanh nghiệp lớn tập trung ở Hà Nội ít được chuyển hóa thành động lực phát triển vượt trội của Thủ đô do thiếu cơ hội thực tế và ít dự án phát triển đúng tầm.

Với "Luật Thủ đô" và "Quy hoạch Phát triển Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050", Hà Nội đã bắt nhịp quỹ đạo phát triển mới. Với những Văn kiện đó, định hướng lớn, khung khổ thể chế, hệ giải pháp chiến lược đã được xác lập.

Nhấn mạnh một số hành động ưu tiên, theo định hướng đột phá, tạo bước ngoặt - bứt phá cho giai đoạn phát triển mới của Thủ đô, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Trước hết cần làm rõ hơn các đặc trưng chất lượng đã được định cho Thủ đô - văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại, trong đó đặc biệt chú trọng định hình rõ nét chân dung phát triển của Thủ đô theo các tiêu chuẩn thời đại; đáp ứng yêu cầu hội nhập - đua tranh quốc tế trong vai trò đại diện cho một Quốc gia đang cam kết rất mạnh cho mục tiêu "tiến vượt để tiến cùng thời đại, tiến kịp thế giới".

Hà Nội cần nhận diện, đánh giá lại tiềm năng và lợi thế phát triển của Thủ đô trên quan điểm hiện đại (tổng thể, động, hướng tới tương lai - và - từ tương lai).

Để thực hiện sứ mệnh, Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt to lớn và khác thường từ Trung ương, trong đó, có việc dành ưu tiên về nguồn lược quy mô lớn, cung cấp các dự án phát triển đặc biệt để tạo khai thông - đột phá và những thể chế, giải pháp vượt trội nhằm tạo không, mở cơ hội phát triển mới cho Hà Nội. Cách tiếp cận "xin cải cách thể chế", "xin thêm quyền chủ động - sáng tạo" sẽ giúp Hà Nội mở rộng không gian đổi mới và cơ hội phát triển đúng theo tinh thần của thời đại mới.

Gia Huy

Top