Hà Nội đẩy mạnh nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn
(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời tạo hướng phát triển mới, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều vùng rau an toàn trên địa bàn thành phố đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng, không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân, mà còn kiểm soát được chất lượng rau trên thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều vùng rau an toàn đang phát huy hiệu quả
Phát huy tiềm năng, lợi thế cùng với định hướng đúng đắn của Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, mang lại giá trị kinh tế cao, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trồng rau cho thu nhập cao hơn trước.
Chia sẻ về hiệu quả đầu tư, phát triển mô hình trồng rau an toàn, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp khoảng 3,5 tấn rau trực tiếp đến các khách hàng. Trong đó, có 2 siêu thị Lotte và 21 siêu thị trong chuỗi Big C, Go, Tops; 4 công ty, nhà máy; 18 trường học và 3 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Sản phẩm đa dạng về chủng loại, ổn định về sản lượng. Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, các thành viên tham gia hợp tác xã phải tuân thủ 4 đúng trong sản xuất rau an toàn như đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách. Hằng năm, hợp tác xã cũng thường xuyên tập huấn nông dân về kỹ thuật gieo trồng, canh tác bảo đảm quy trình VietGAP, GlobalGAP; về hình thức, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy chuẩn cần thiết.
Tương tự theo Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì Đặng Bá Thắng, xã Duyên Hà có diện tích trồng rau lớn, đạt 54,7ha, trong đó, diện tích được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 20ha; trung bình sản lượng rau của hợp tác xã đạt 3 nghìn tấn/năm, chủ yếu là các loại rau theo mùa, như cà chua, súp lơ, bí, bắp cải, mướp, su hào, dưa chuột, rau muống... Để bảo đảm chất lượng rau, hợp tác xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện, thành phố mở các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh gây hại tổng hợp, tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, 100% phân bón là phân sinh học, phân gà ủ, thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng các chế phẩm sinh học hoặc làm thủ công (làm cỏ, bắt sâu bọ bằng tay).
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường chia sẻ, là địa phương có truyền thống sản xuất rau nên năng suất rau trên địa bàn thành phố luôn ổn định và có xu hướng tăng do người sản xuất chú trọng đầu tư thâm canh và bảo vệ sản xuất. Sản lượng rau đạt trên 700.000 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 1,9%/năm. Chủng loại rau gieo trồng khá phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Hiện nay, diện tích rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận duy trì ổn định khoảng 5.451,8 ha với năng suất ước đạt 70 tấn/ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn với quy mô từ 20 ha trở lên tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ...; cho giá trị 400-500 triệu đồng/ha/năm. Diện tích rau đã được chứng nhận hữu cơ và đang xin chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 180ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 20%-30%.
Cũng theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, để bảo đảm chất lượng rau an toàn cung cấp ra thị trường, hằng năm Chi cục đều phối hợp với các địa phương chuyển giao nhiều mô hình tiến bộ kỹ thuật trong canh tác rau an toàn như sử dụng vải không dệt che phủ trên rau ăn lá (màng phủ Passlite) hạn chế rau dập nát vào mùa mưa, giữ ấm cho rau vào mùa đông; sử dụng bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang gây hại… Đồng thời, xây dựng và duy trì vận hành 46 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) với diện tích 1.942 nhằm đảm chất lượng nội bộ, sản xuất theo chuỗi đã tạo được lòng tin tiêu thụ rau an toàn cho người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm...
Mở rộng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 3.000-4.000ha rau an toàn; tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ rau an toàn chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; số lượng hợp tác xã sản xuất rau, đặc biệt là số cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP còn quá ít so với diện tích sản xuất rau hiện có; việc tiếp cận chính sách, nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất của các hợp tác xã còn nhiều khó khăn.
Để mở rộng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, huyện Mê Linh Đàm Văn Đua cho biết, các sở ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây rau; ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ. Cùng với đó, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến hộ gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp phối hợp với các huyện, thị xã tăng cường, siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu, đánh giá sự phù hợp của thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, thuốc có thời gian cách ly ngắn để ứng dụng đối với sản xuất rau an toàn, bảo đảm sự cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn nguồn gốc đến từng hộ; tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm. Sở NN&PTNT phối hợp với các sở ngành tham mưu cho thành phố lựa chọn hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiệu quả, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ thuê cửa hàng rau an toàn để đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường giúp nông dân làm giàu và tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng, hướng đến một nền phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Thiện Tâm