Hà Nội đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

26/08/2024 3:35 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều giải pháp để chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đã được Hà Nội đặt ra, trong đó có thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc; tiếp tục kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác hàng năm đối với đội ngũ cán bộ…

Hà Nội đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực- Ảnh 1.

Một góc Hà Nội - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án

Theo Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Thành uỷ Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, việc tổ chức thi hành án liên quan đến hình sự về kinh tế, tham nhũng, án tín dụng ngân hàng, vụ việc có giá trị thi hành lớn được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tiến hành theo quy định pháp luật, không có án oan, không bỏ lọt tội phạm.

Còn theo Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, TAND hai cấp TP. Hà Nội tiếp tục được giao nhiệm vụ giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế lớn, có tính chất nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng trên toàn quốc, được dư luận đặc biệt quan tâm. Các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Trong đó, một số vụ án hình sự trọng điểm, được dư luận quan tâm đã được xét xử như: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Việt Á; vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh - Tập đoàn Hoàng Minh...

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc TAND hai cấp TP. Hà Nội đã chuyển trên 4.700 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu sang xử lý theo thủ tục tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Kết quả, có trên 2.000 đơn được hòa giản, đối thoại thành hoặc được người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn, đạt tỷ lệ 0,98%. TAND cấp huyện chuyển trên 4.500 đơn, thực hiện hòa giải, đối thoại thành trên 2.000 đơn, đạt tỷ lệ trên 45%.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã khởi tố 43 vụ/76 bị can, khởi tố chủ yếu về các tội phạm tham ô tài sản (26/32 bị can trong đó tham ô xảy ra tại doanh nghiệp, tổ chức nhà nước 6 vụ/11 bị can); tội nhận hối lộ (2 vụ/11 bị can); lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ (10 vụ/20 bị can); làm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (3 vụ/8 bị can).

Trong cuộc họp giao ban tháng 7/2024 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Thành uỷ Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo.

Các cơ quan tư pháp hai cấp Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm.

Tiếp tục kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác hàng năm

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong thực thi công vụ và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, đạo đức công vụ của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt cấp cơ sở.

Theo chỉ đạo này, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác hàng năm, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm đối với các trường hợp lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức để vụ lợi hoặc phục vụ mục tiêu cá nhân khác. Thực hiện bố trí cán bộ bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ, kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ, dấu hiệu về xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý; chủ động phát hiện các trường hợp có xung đột lợi ích để thực hiện các biện pháp kiểm soát và xử lý theo quy định.

Một trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội đặt ra là thực hiện nghiêm công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định và kế hoạch hàng năm; thực hiện kê khai trung thực về tài sản, thu nhập và giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định; khắc phục tình trạng kê khai không rõ ràng, đầy đủ, chính xác tài sản, thu nhập; thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định. 

Giải pháp tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; tăng cường kiểm tra cải cách hành chính, kiểm soát TTHC; thực hiện tốt công tác chuẩn hóa TTHC, kiểm soát việc công bố TTHC; rà soát loại bỏ các quy trình, TTHC chồng chéo, phức tạp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý tình trạng gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chữ ký số và thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng. 

Tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức; giảm thiểu nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi khu vực công và khu vực ngoài nhà nước.

Chủ tịch TP. Hà Nội cũng yêu cầu thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị.

Gia Huy

Top