Hà Nội công khai 809 doanh nghiệp nợ thuế, phí
(Chinhphu.vn) - Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công khai danh sách "đen" 809 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ hơn 792 tỷ đồng trong kỳ đăng tháng 5.
Cụ thể, tính tới kỳ khóa sổ ngày 31/3, có 528 người nộp thuế nợ thuế, phí công khai lần đầu với số tiền gần 144 tỷ đồng; 34 người nộp thuế nợ nghĩa vụ liên quan đến đất với số tiền 461 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách "đen" là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 với số nợ 345 tỷ đồng, trong đó nợ số tiền sử dụng đất 239 tỷ đồng, còn lại là tiền nợ chậm nộp. Doanh nghiệp này nổi danh với "lùm xùm" về dự án khu chức năng đô thị Ao Sào tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai; dự án Westpoint Nam 32 tại huyện Hoài Đức.
Tiếp đến, Ban Quản lý bến xe tải Thanh Trì nợ trên 37 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sứ Bát tràng nợ gần 26 tỷ đồng; Tổng công ty cơ khí xây dựng nợ khoảng 12,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Đảo Sen nợ tiền thuê đất gần 12 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng điểm danh 247 người nộp thuế nợ khó thu với số tiền gần 188 tỷ đồng.
Trong đó, có nhiều cái tên đáng chú ý như Công ty cổ phần công trình giao thông 118 – Momota (mã số thuế: 0101286002) nợ hơn 57 tỷ đồng, trong đó, nợ thuế VAT hàng sản xuất, kinh doanh trong nước hơn 20 tỷ, tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật do ngành thuế quản lý hơn 19 tỷ.
Tổng công ty Licogi – CTCP Chi nhánh Licogi số 1 (mã số thuế: 0100106440-009) nợ gần 33 tỷ đồng, trong đó, nợ thuế VAT hàng sản xuất, kinh doanh trong nước lên tới hơn 13 tỷ đồng, chậm nộp thuế VAT trong nước gần 9 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 91 người nộp thuế sau khi bị "điểm danh" trong năm 2021 đã nộp hết nợ với số tiền hơn 16 tỷ đồng.
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, công tác quản lý nợ trong những năm qua được triển khai rất quyết liệt theo đúng quy định trên cơ sở phân loại đối tượng nộp thuế để áp dụng các biện pháp đôn đốc, quản lý nợ phù hợp.
"Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục đòi hỏi sự mềm dẻo, thuyết phục và sáng tạo trong giai đoạn người nộp thuế còn phải chống đỡ rất nhiều thiệt hại do dịch bệnh đã gây ra nhưng vẫn cần sự quyết tâm, quyết đoán để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu do Bộ Tài chính, Tổng cục thuế và Thành phố giao", Cục Thuế TP. Hà Nội đánh giá.
Theo đó, Cục Thuế TP. Hà Nội chủ động nắm bắt những khó khăn vướng mắc của đơn vị nợ thuế để kịp thời tháo gỡ, báo cáo cấp có thẩm quyển xem xét, giải quyết hoặc phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp dần nợ thuế.
Đồng thời đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn của những doanh nghiệp "chây ỳ" nợ thuế vào ngân sách nhà nước và kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ tốt doanh nghiệp, người nộp thuế nhưng cũng bảo đảm sự công bằng trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.
Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương, với các sở ban ngành áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định đối với các đơn vị nợ nghĩa vụ ngân sách nhà nước, Cục Thuế TP. Hà Nội thường xuyên đăng công khai thông tin nợ thuế theo quy định đối với các đơn vị nợ đọng lớn, chây ỳ trên địa bàn. Kết quả sau khi đăng công khai đã có nhiều đơn vị nộp số nợ vào ngân sách nhà nước.
Nhằm bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế, đồng thời bảo đảm tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, chống thất thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng cảnh báo các chủ dự án, doanh nghiệp sớm thu xếp được nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.
Bích Phương