Hà Nội: Điều trị F0 thể nhẹ tại nhà nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân

30/11/2021 11:21 AM

(Chinhphu.vn) - Việc điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại nhà có mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn về sức khoẻ cho người dân. Việc điều trị F0 tại nhà cần tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và sự chấp hành các quy định của người dân.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Gia Huy

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội tổ chức sáng nay (30/11).

Hà Nội vừa có quy định điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại nhà, việc thu dung, điều trị này sẽ được thực hiện như thế nào thưa bà?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Việc điều trị F0 thể nhẹ tại các tuyến y tế cơ sở đã được Hà Nội chuẩn bị kỹ càng, có phương án chuẩn bị. Trong suốt thời gian qua chúng tôi đã điều trị F0 thể nhẹ, F0 không triệu chứng tại các tuyến cơ sở thu dung tại các cơ sở thu dung của Thành phố, tại tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động.

Đến nay, Thành phố đã quyết định sẽ thực hiện điều trị F0 tại nhà. Tôi cho rằng việc điều trị F0 tại nhà  sẽ thuận lợi cho người bệnh, cũng như tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở. Điều trị F0 thể nhẹ tại nhà đáp ứng được quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế khi chúng ta thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Việc điều trị F0 tại nhà được nhân viên y tế, tuyến y tế cơ sở chăm sóc, theo dõi sức khoẻ thường xuyên. Quan trọng là trong quá trình theo dõi bệnh nhân phát hiện sớm dấu hiệu bất thường để có sự chuyển tầng, đưa người bệnh kịp thời đến các cơ sở y tế phù hợp.

Chúng tôi cũng thực hiện phân tầng điều trị, tầng 1 là tại y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 là tại các cơ sở trên địa bàn Thành phố; tầng 3 là tại các các bệnh viện trên địa bàn.

Việc điều trị F0 thể nhẹ tại nhà có mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng vẫn phải an toàn về sức khoẻ cho người dân. Mục tiêu quan trọng là người dân được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ. Việc điều trị F0 tại nhà cũng cần sự giám sát của chính quyền địa phương, sự chấp hành các quy định của người dân.

Ngày hôm qua (29/11), Hà Nội ghi nhận 390 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 220 ca trong cộng đồng, vậy Sở Y tế có những giải pháp nào để giảm thiểu số ca mắc trong những ngày tới?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Trong mấy ngày gần đây số lượng ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng hơn trước, đặc biệt là các ca trong cộng đồng, tỷ lệ các F1 chuyển thành F0 cũng tăng lên. Chúng tôi cho rằng với việc thực hiện là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số ca F0 tăng lên cũng là nằm trong dự đoán trước của Hà Nội. Thành phố cũng đã xây dựng kịch bản trong trường hợp có 100.000 ca mắc.

Với tình hình như hiện nay, chúng tôi cũng thấy rằng cần tăng cường năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, từ năng lực điều tra, truy vết, xét nghiệm thần tốc đến năng lực điều trị ở các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt là khi người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Hà Nội vẫn kiên định với các giải pháp trong công tác chống dịch, như tại tuyến y tế cơ sở thực hiện điều tra, truy vết một cách sớm nhất; thứ hai là khi phát hiện F0 nhân viên y tế sẽ tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất để đáp ứng dịch vụ y tế cho người dân.

Chúng tôi thấy rằng, với tốc độ lây lan virus như hiện nay, việc có nhiều ca F0 trong cộng đồng cần tiếp tục có sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, người dân cần chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bởi tuy đã tiêm chủng nhưng vẫn có thể lây lan dịch bệnh. Vì vậy, người dân cần chấp hành các quy định của Thành phố trong công tác phòng, chống dịch, tránh nơi tụ tập đông người, thực hiện quy định “5K”, thực hiện bảo vệ người cao tuổi, người có bệnh lý nền để giảm tỷ lệ tử vong và bảo đảm sức khoẻ người dân.

Hà Nội đang đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, nhưng vừa qua có trường hợp trẻ sau tiêm vaccine đã tử vong ở huyện Thường Tín, hiện tại Sở Y tế Hà Nội đã có kết luận gì về trường hợp này?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Đây là trường hợp tai biến không mong muốn của tiêm chủng. Trong quá trình tiêm vaccine cho trẻ em, Hà Nội đã thực hiện rất nghiêm túc các quy trình tiêm chủng, đặc biệt là thực hiện đầy đủ quy trình theo dõi trẻ em sau tiêm vaccine. Với tai biến không mong muốn sau tiêm chủng, chúng tôi đã có các cuộc họp của hội đồng chuyên môn, xin ý kiến các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia ở tuyến Trung ương để nhìn nhận toàn bộ quy trình tiêm chủng, cũng như xác định nguyên nhân. Hiện chúng tôi đang đợi đánh giá của hội đồng chuyên môn để có nhận định, làm sao có giải pháp tốt nhất trong quá trình thực hiện tiêm chủng.

Trong quá trình tổ chức tiêm vaccine, toàn bộ quy trình được giám sát chặt chẽ; chúng tôi cũng tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế, bố trí các kíp cấp cứu trong quá trình tiêm vaccine. Ngành Y tế cũng có hướng dẫn phụ huynh học sinh theo dõi trẻ sau tiêm trong vòng 1 tuần và tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong vòng 10 ngày. Sở Y tế cũng thành lập 5 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tiêm chủng tại tuyến y tế cơ sở để thực hiện nghiêm túc quy trình này, mục tiêu cao nhất là an toàn cho học sinh.

Gia Huy (thực hiện)

Top