Hà Nội ‘đón đầu’ việc xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy

24/12/2024 11:13 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh lưu ý cần “đón đầu” việc xử lý tài sản, trụ sở công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố.

Hà Nội ‘đón đầu’ việc xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Việt Hà

Chiều 24/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo.

Dự phiên họp còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn; các Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền, Vũ Thu Hà.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về các dự thảo: Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; Phân công nhiệm vụ các thành viên; Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo của Thành phố; Chương trình công tác trong tâm năm 2025 của Ban Chỉ đạo.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh giao Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông chủ trì hoàn thiện các dự thảo; đồng thời đề nghị trong tháng 12/2024 phải ban hành các văn bản trên. Đối với công tác năm 2025, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu cần xây dựng danh mục công việc cụ thể từng tháng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí.

Tiếp theo, Ban Chỉ đạo tiến hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án. Cụ thể, với dự án đầu tư xây dựng trụ sở của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tại số 31 - 33 - 35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm trong tháng 12/2024 tổ chức lập quy hoạch thiết kế đô thị các tuyến phố, trình thẩm định phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật. Sau khi quy hoạch được duyệt, Ngân hàng SHB hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Còn với dự án Tổ hợp Văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ để bán tại số 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng dự án đã kéo dài nhiều năm, đến thời điểm này Thành phố cần tập trung giải quyết, tháo gỡ nhằm chống lãng phí, không gây thiệt hại cho nhà nước.

Nhấn mạnh tinh thần định hướng của Ban Chỉ đạo cho sở, ngành là căn cứ tổ chức thực hiện, đồng chí Trần Sỹ Thanh yêu cầu căn cứ vào nhận định, đánh giá của Ban Chỉ đạo, các cơ quan có liên quan trình Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét, quyết định. "Trong tháng 1/2025 phải xử lý dứt điểm dự án này", đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Về dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp CN3 tại xã Mai Đình và xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), Chủ tịch UBND Thành phố thống nhất với quan điểm của các thành viên Ban Chỉ đạo về giữ nguyên hiện trạng 16.631,6m2 của 2 khu nghĩa trang nằm trong đất dự án (theo quy hoạch vị trí này là 2 ô cây xanh, không ảnh hưởng đến hoạt động và kinh doanh khai thác của cả cụm công nghiệp).

Bên cạnh đó, yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (chủ đầu tư) khẩn trương xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp… Trường hợp UDIC có nhu cầu chuyển nhượng dự án, Ban Chỉ đạo giao Sở Xây dựng hướng dẫn quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đối với dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), để tránh trường hợp cơ sở sản xuất đã di dời nhưng để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng, bảo thực hiện đầu tư một khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ được hạ tầng chung khu vực, đem lại hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố, Ban Chỉ đạo chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chậm nhất trong tuần này hoàn thiện nội dung trình UBND Thành phố ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của Thành phố.

Hà Nội ‘đón đầu’ việc xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo cũng xem xét nội dung việc quản lý các cơ sở nhà, đất là trụ sở các cơ quan Trung ương và địa phương trên địa bàn quận Hà Đông. Theo đó, có 6 cơ sở nhà, đất thuộc 5 Bộ, ngành Trung ương được rà soát là đang không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; 2 cơ sở nhà, đất do 2 sở, ngành, đơn vị thành phố đang không sử dụng. Sở Tài chính đã đề xuất phương án chuyển giao các cơ sở nhà, đất này về địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, quận có 7 trụ sở làm việc không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả dự kiến sẽ thực hiện điều chuyến đe xây dựng, mở rộng cơ sở giáo dục - đào tạo, hoặc chuyển giao về UBND phường quản lý để làm thiết chế văn hóa - thể thao.

Đồng tình với các phương án xử lý cơ sở nhà, đất được Sở Tài chính nêu, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh lưu ý công tác tổng kiểm kê tài sản công.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng lưu ý cần "đón đầu" việc xử lý tài sản, trụ sở công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố.

Việt Hà

Top