Hà Nội đôn đốc các xã, phường mới giải phóng mặt bằng loạt dự án quan trọng
(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố, nhất là các dự án trọng điểm của Quốc gia và Thành phố, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các xã, phường mới khẩn trương tiếp nhận, chủ trì tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thu hồi đất theo thẩm quyền được quy định.

Để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố, nhất là các dự án trọng điểm của quốc gia và thành phố, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các xã, phường mới khẩn trương tiếp nhận, chủ trì tổ chức thực hiện. Ảnh minh họa
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành công văn về việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các xã, phường khẩn trương tiếp nhận, chủ trì tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thu hồi đất theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 151/2025/NĐ-CP và Quyết định số 38/2025/QĐ-UBND, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch.
Trong đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các xã, phường ưu tiên tập trung nguồn lực, nhân lực, thời gian thực hiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện đối với các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội, an sinh dân sinh, quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, đối với loạt dự án đầu tư xây dựng quan trọng, được đưa vào "làn xanh" trên địa bàn các phường, xã. Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu UBND các xã, phường liên quan cung cấp thông tin đầu mối lãnh đạo UBND phụ trách và công chức được phân công công tác tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 10/7/2025 để tổng hợp chung.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu phân "làn xanh", rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thủ tục hành chính cho 10 dự án trọng điểm của TP. Hà Nội.
10 dự án quan trọng của TP. Hà Nội bao gồm: Cải tạo không gian Đông hồ Hoàn Kiếm và cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục; Cầu Tứ Liên; Cầu Trần Hưng Đạo; Cầu Ngọc Hồi; Cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh Hồ Tây; cải tạo chỉnh trang, bổ cập nước sông Tô Lịch; Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các dự án thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn Thành phố; Tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao - Hòa Lạc.
Thành lập 126 Ban Quản lý Dự án đầu tư - hạ tầng cấp xã, phường
Ngay sau khi vận hành chính quyền hai cấp, TP. Hà Nội thành lập 126 Ban quản lý Dự án đầu tư - hạ tầng thuộc UBND xã, phường, trên cơ sở tổ chức lại các Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng cấp huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện hiện nay.
Ban quản lý Dự án đầu tư - hạ tầng (Ban) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các xã, phường; có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành; các Ban có chức năng làm chủ đầu tư, ủy quyền chủ đầu tư một số dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách; nhận ủy thác quản lý dự án của các chủ đầu tư khác theo hợp đồng ủy thác quản lý dự án được ký kết;
Ban có nhiệm vụ tổ chức quản lý các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư và nhận ủy thác quản lý dự án theo hợp đồng ủy thác quản lý dự án cho các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu và có đủ điều kiện năng lực để thực hiện theo quy định của pháp luật; thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Cơ cấu tổ chức của các Ban gồm Giám đốc, các Phó Giám đốc và các phòng chuyên môn được thành lập trên cơ sở Đề án tự chủ của đơn vị và có từ 02 mảng công tác trở lên. Việc giao số lượng viên chức làm việc tại Ban quản lý Dự án đầu tư - hạ tầng thực hiện theo từng giai đoạn tương ứng với giai đoạn tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ.
Các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra quá trình triển khai theo đúng quy định pháp luật.
UBND các địa phương chỉ đạo rà soát, thống kê hồ sơ, tài liệu, thông tin, dữ liệu; tài chính, tài sản; tiến độ thực hiện nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để bàn giao nhiệm vụ cho các Tổ tiếp nhận theo Quyết định của UBND TP. Hà Nội khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó, đề xuất bố trí trụ sở cho Ban quản lý Dự án đầu tư - hạ tầng trực thuộc UBND xã, phường mới để bảo đảm hoạt động ổn định ngay sau sắp xếp.
Thùy Chi