Thực hiện các giải pháp ưu tiên để giảm ô nhiễm không khí
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp để giảm phát thải, cải thiện không khí, cải thiện môi trường, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp.
Cung cấp thông tin kịp thời về chất lượng không khí cho người dân
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố. Công văn trên được gửi đi trong bối cảnh hơn 1 tháng qua không khí ở Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng không khí ở mức nguy hại cho sức khỏe người dân.
Theo thông tin từ UBND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông vừa ký Công văn số 3803/UBND-TNMT về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố.
Để cải thiện tình hình, UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vận hành ổn định hệ thống quan trắc chất lượng không khí, rà soát và hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về không khí, thường xuyên cung cấp dữ liệu về diễn biến chất lượng không khí trên cổng thông tin và các nền tảng số hóa khác của TP. Hà Nội.
Hà Nội cũng yêu cầu phải cung cấp kịp thời thông tin về chất lượng không khí để người dân có thể chủ động ứng phó với những thời điểm chất lượng không khí diễn biến xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, cần phải khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo và dự báo ô nhiễm không khí để xác định các điểm nóng và có phương án xử lý kịp thời.
Tiến hành kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí để xác định chính xác các nguồn ô nhiễm không khí và có giải pháp xử lý trước mắt và dài hạn.
"Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý, giám sát khí thải, đặc biệt các cơ sở có phát sinh bụi, khí thải lớn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có). Triển khai các giải pháp cải thiện, giảm thiểu các nguồn chính ô nhiễm không khí, đặc biệt quản lý, giám sát, duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính phân cấp" - UBND TP Hà Nội yêu cầu.
Sớm đưa xăng sinh học E10 lưu thông trên thị trường
Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình giao thông thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh. Thiết kế hạ tầng cho các làn đường dành riêng cho xe đạp.
Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng xe cộ cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện chạy bằng nhiên liệu điện, nhiên liệu tái tạo, ít phát thải.
Thường xuyên kiểm tra, phát hiện các phương tiện đổ phế thải xây dựng không đúng quy định, không bảo đảm việc đáp ứng an toàn khí thải khi tham gia giao thông.
Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các quận, huyện, thị xã... tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích phù hợp. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Sở Xây dựng, Công an TP cùng UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải; yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu chính sách về thuế, phí để khuyến khích, giảm giá xăng sinh học; sớm đưa xăng sinh học E10 lưu thông trên thị trường theo lộ trình tại quyết định số 53 ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan y tế địa phương và các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp, giải pháp bảo vệ sức khỏe trước tình hình ô nhiễm không khí tại những thời điểm chất lượng không khí bị ô nhiễm.
Chất lượng không khí Hà Nội ở mức kém
Trong thời gian gần đây, nhiều khu vực tại Hà Nội ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí từ sáng đến trưa 18/11 với chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt mức cho phép.
Trạm quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại số 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cho thấy chỉ số bụi PM 2.5 vào buổi trưa là 151 - tương đương với cảnh báo xấu, mức thứ tư trong thang 6 mức. Tình trạng ô nhiễm bụi được trạm quan trắc này ghi nhận từ 7h và duy trì đến thời điểm hiện tại.
Điểm đo tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, cũng có chỉ số bụi mịn PM 2.5 cao, lúc 11h là 169. Điểm đo tại công viên Nhân Chính quận Thanh Xuân và Cầu Giấy chỉ số ở mức kém, từ 101 đến 150.
Theo hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí tại một số khu vực nội thành như Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Trung Hòa (Cầu Giấy) và Khương Trung (Thanh Xuân) đang ở mức báo động với chỉ số AQI 139, thuộc cấp độ kém.
Ô nhiễm không khí không chỉ tập trung ở nội thành mà còn ở các khu vực ngoại thành như Kim Bài (Thanh Oai), Chúc Sơn (Chương Mỹ) và Vân Đình (Ứng Hòa). Tại đây, chỉ số AQI đã vượt quá mức cho phép, đặc biệt là tại Kim Bài với chỉ số 150.
Trạm đo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng cho thấy trong sáng nay chỉ số bụi PM 2.5 liên tục ở mức kém. Trang tổng hợp dữ liệu hàng nghìn trạm đo chất lượng không khí trên toàn thế giới IQAir lúc 12h xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 10 thế giới với chỉ số 155, đứng đầu là Delhi của Ấn Độ chỉ số 1.660.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, song song với sự phát triển kinh tế, lượng chất thải ngày càng tăng và đa dạng đòi hỏi phải có những quy định cụ thể để kiểm soát ô nhiễm môi trường với từng loại hình, từng ngành. Mặc dù đẩy mạnh phân cấp phân quyền song vấn đề ô nhiễm không khí "dường như chỉ trung ương hoặc các tỉnh nhắc đến, trong khi các quận huyện, nơi trực tiếp phát sinh thì không mấy quan tâm". Nhiều nơi không nắm được nguồn gây ô nhiễm nhất để có giải pháp phù hợp.
Trong hội thảo giải pháp cho vấn đề ô nhiễm ở các thành phố lớn tổ chức ngày 14/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết Bộ đang kiểm kê phát thải gây ô nhiễm không khí ở hai vùng trọng điểm kinh tế phía bắc và nam. Trên cơ sở này, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường cũng như ưu đã cho các thiết bị, công nghệ giảm thiểu phát khí thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường hệ thống quan trắc tự động, liên tục, để đo và công bố chỉ số AQI, nhằm cung cấp thông tin chính xác về chất lượng không khí cho người dân. "Không thể chậm trễ hơn được nữa, mong rằng chỉ số chất lượng không khí sẽ cải thiện hoặc ít nhất hạn chế tình trạng gia tăng ô nhiễm", ông Duy nói.
Kết quả quan trắc giai đoạn 2022-2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26-52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần.
Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1, 4 và một đợt vào đầu tháng 10.
Nguyên nhân khách quan là vào mùa đông miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được gây ô nhiễm chất lượng môi trường không khí. Nguyên nhân chủ quan là từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ.
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Hoàng Dương Tùng cho biết, ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ mùa ô nhiễm thay cho mùa đông, nhất là miền Bắc. Theo ông Tùng, trong bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn thải mới, chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện. Vấn đề ô nhiễm không khí được nhận thức từ nhiều năm trước nhưng chất lượng không khí ngày càng suy giảm chứng tỏ các công cụ của chúng ta chưa hiệu quả.
Thực hiện các giải pháp ưu tiên để giảm ô nhiễm không khí
Để giảm phát thải, cải thiện không khí, cải thiện môi trường, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như: Triển khai xe buýt dùng khí nén CNG, xe buýt điện, vượt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 và tiếp tục trồng 500.000 cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong kiểm soát chất lượng không khí là cùng hành động, tổ chức thực thi các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó cần xác định các mục tiêu ưu tiên, giải pháp trọng tâm, tập trung nguồn lực để thực hiện.
Bộ trưởng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế ngay được tình trạng phát sinh bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Đây được nhận định là nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất hiện nay.
Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành và áp dụng quy định về quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải, tiến tới không phát thải, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.
"Có thể nghiên cứu đề xuất các biện pháp kỹ thuật cần thiết như tăng cường phun sương hoặc rửa đường thí điểm, có thể dưới hình thức tự động, trong khung thời gian từ 00 giờ đêm đến 6h sáng để xử lý tình huống trong thời gian xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng, báo động", Bộ trưởng đề xuất.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, TP. Hà Nội đang thí điểm mô hình "vùng phát thải thấp", đây là mô hình cần được ứng dụng, triển khai.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Thành phố đang triển khai 4 nhóm giải pháp ưu tiên, trong đó có nghiên cứu, xây dựng các quy định, cơ chế đặc thù nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí đã được ban hành tại Luật Thủ đô như quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp.
Thực hiện giảm phát thải từ các nguồn chính, nhất là nguồn giao thông, trong đó có công tác rửa đường, phân vùng giao thông và thu phí phân vùng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; xây dựng khu vực phát thải thấp. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trong TP. Hà Nội, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên cấp liên ngành liên vùng.
Thùy Chi