Hà Nội giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ ngày 10/3
(Chinhphu.vn) - Từ ngày 10/3-30/3/2022, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội sẽ giám sát trực tiếp tại các đơn vị việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-ĐGS giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn TP. Hà Nội". Đây là một trong 3 chuyên đề sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội giám sát trong năm 2022.
Chuyên đề giám sát này nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên cơ sở làm rõ những kết quả đạt được; các tồn tại hạn chế khó khăn vướng mắc và bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện.
Việc giám sát cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp ngành; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ theo thẩm quyền; kịp thời xử lý những tồn tại vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách pháp luật, tổ chức chỉ đạo điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng công tác thực hành tiết kiệm, bảo đảm sử dụng các nguồn lực hiệu quả.
Theo kế hoạch, phương thức tổ chức, thực hiện giám sát sẽ được đổi mới, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ và phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến khó lường của dịch COVID-19; phân công phối hợp triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo. Đặc biệt phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội, trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, từ ngày 10/3-30/3/2022, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội sẽ giám sát trực tiếp tại các đơn vị gồm: HĐND; UBND; các Sở, ngành thuộc Thành phố; một số quận, huyện thị xã; một số tổ chức chính trị xã hội…
Phạm vi giám sát sẽ tập trung ở khu vực công, với các nội dung: Việc thực hành, thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công thuộc TP. Hà Nội, gồm quản lý, sử dụng NSNN. Trọng tâm giám sát là lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN hằng năm...; quản lý tài sản Nhà nước, tập trung giám sát việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại nhà, đất công vụ, trụ sở làm việc; việc quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất và chuyển đổi quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất...
Trong đó, Đoàn giám sát sẽ tập trung vào việc lập, thẩm định kế hoạch tài chính trung hạn; Kế hoạch đầu tư công, trung hạn; phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện, quyết toán các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; việc quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất và chuyển đổi quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất; quản lý khai thác và sử dụng đất đai; việc sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó giám sát chi tiết ở khối sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế...
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là mục tiêu xuyên suốt, được TP. Hà Nội kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Đáng lưu ý, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tinh giản biên chế; tổ chức lại các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm đầu mối và tiết kiệm chi…
Những năm qua, Thành phố đã đẩy mạnh việc cắt giảm chi thường xuyên; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính,giao dịch dân sự; chú trọng quản lý tài sản công, quản lý ngân sách; kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Năm 2021, các cấp, ngành của Thành phố đã chủ động điều chỉnh, tiết giảm gần 2.700 tỷ đồng từ những khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và chi đầu tư phát triển.
Bích Phương