Hà Nội: Khởi công tuyến đường vành đai 2 trên cao
(Chinhphu.vn) - Sáng 22/4, UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ khởi công tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tới dự.
Các đại biểu dự lễ khởi công tuyến đường vành đai 2 trên cao. Ảnh: Thùy Linh |
Dự án bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng. Đoạn tuyến đi bằng sẽ có chiều dài trên 3 km; điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường Minh Khai sẽ được mở rộng ra từ 53,5-63,5m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; vỉa hè mỗi bên rộng từ 4-6m. Dải phân cách giữa rộng 4m sẽ dùng làm nơi bố trí trụ đường vành đai 2 trên cao.
Đoạn tuyến vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy; điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh. Tổng chiều dài đoạn tuyến xấp xỉ 5,1km; với các hạng mục: cầu chính (bề mặt 19m), cầu dẫn (bề mặt 7m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở.
Dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, loại hợp đồng BT; có tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.400 tỷ đồng, trong đó 4.194 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và UBND TP. Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào đầu tháng 3 vừa qua. Đơn vị được giao đầu tư, thực hiện dự án là Tập đoàn Vingroup; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội sẽ đại diện cho Thành phố quản lý và theo dõi việc thực hiện dự án.
Ảnh: Thùy Linh |
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, với tính chất đặc biệt quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị Thủ đô Hà Nội, việc triển khai thi công Dự án bảo đảm các yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả, cũng như bảo đảm tuyệt đối an toàn, hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng đến sinh hoạt và giao thông đi lại của người dân là mong muốn của lãnh đạo Thành phố và nhân dân Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đề nghị nhà đầu tư, các nhà thầu thi công, các đơn vị được giao tham gia quản lý, giám sát Dự án phải xác định đây là Dự án tiêu biểu của Thành phố về thực hiện theo hình thức đối tác công - tư, trong đó, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ cam kết, bảo đảm chất lượng và có hiệu quả cao về kinh tế-xã hội.
ĐồnG thời, đề nghị nhà đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tổ chức triển khai thi công ngay sau lễ khởi công với sự tập trung cao nhất trong chỉ đạo, điều hành, bố trí nhân lực, thiết bị, vật tư, nguồn vốn để bảo đảm các yêu cầu về tiến độ, chất lượng, an toàn từng hạng mục công trình. Phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2020.
Nhà đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải trong việc tổ chức phân luồng giao thông linh hoạt, phù hợp với biện pháp thi công để bảo đảm an toàn cho thi công công trình, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân khu vực dự án trong suốt quá trình triển khai thi công.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình tổ chức thi công; bảo đảm chất lượng, khối lượng, tiến độ công trình, hạng mục công trình theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Các sở, ban, ngành Thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn Nhà đầu tư triển khai các thủ tục của dự án đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước về đầu tư, xây dựng; kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật.
Thùy Linh