Hà Nội: Kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư các dự án không giải ngân được
(Chinhphu.vn) - Kỳ họp HĐND cần cần đi sâu vào các nội dung rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công; kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư của các dự án không giải ngân được…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp 14 HĐND TP. Hà Nội sáng 5/12.
GRDP của Hà Nội năm 2023 tăng 6,27%
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 03 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá.
Ước cả năm 2023, GRDP của Thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thành phố đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô trong tương lai.
Cụ thể, Hà Nội phối hợp Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6; dự kiến Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật quy hoạch; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố; khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mục tiêu hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027...
Thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như dự án xử lý nước thải, chất thải, xử lý môi trường, dự án nước sạch, chống úng ngập, đường sắt đô thị... các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, trong thời gian vừa qua, HĐND, Thường trực HĐND đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, toàn diện, sâu sát và hiệu quả với những kết quả nổi bật.
Hoạt động của HĐND Thành phố tiếp tục đổi mới theo hướng toàn diện, thực chất, phát huy hiệu lực, hiệu quả, như đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu, đánh giá tại kỳ họp thứ 12 là: "làn gió tươi mới, điển hình trong hoạt động của các cơ quan dân cử cả nước".
HĐND Thành phố đã nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng các nội dung, những vấn đề quan trọng, cấp thiết, sát yêu cầu thực tiễn của Thành phố, cử tri và Nhân dân quan tâm để ban hành Nghị quyết và giám sát, tái giám sát, chất vấn, giải trình nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của Thành phố.
Thường trực HĐND Thành phố duy trì tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn để trao đổi, thảo luận, chia sẻ các giải pháp, cách làm hiệu quả trong quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, ban hành các cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.
Đẩy nhanh tiến độ việc chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn nhận định, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm còn một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra như: Còn một số chỉ tiêu chưa đạt; kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra; tình trạng cháy nổ, ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững.
Vì vậy, năm 2024, Thành phố tiếp tục xác định chủ đề của năm 2024 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".
Vì vậy, đối với các Nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách đặc thù, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị HĐND Thành phố đi sâu vào làm rõ các tác động, tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, nguồn lực về khoa học và công nghệ, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo tốt an sinh xã hội.
Kỳ họp cũng cần đi sâu vào các nội dung tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công; kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư cho các dự án không giải ngân được để chuyển bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đây là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục do liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực từ quy hoạch, kế hoạch, tài nguyên, môi trường, tài chính, quản lý đô thị, quản lý y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng.
Do vậy, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình trọng điểm.
Đẩy nhanh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn, rà soát kỹ kế hoạch, hoàn thành chủ trương đầu tư, bố trí và huy động nguồn lực cho 3 lĩnh vực này, trong đó đặc biệt chú trọng đến tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng, bảo tồn và phát huy giá trị gốc của di tích.
Người được lấy phiếu tín nhiệm ‘tự soi’, ‘tự sửa’
Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND Thành phố sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND Thành phố bầu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Đây là hoạt động giám sát rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
"Thông qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm ‘tự soi’, ‘tự sửa’, thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu HĐND Thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiếp tục là một trong những thành công để giúp cho hoạt động của bộ máy nhà nước có những bước phát triển mới, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị Thành phố có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngay sau kỳ họp này, UBND Thành phố, các cấp, các ngành cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết HĐND Thành phố. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm; đề cao trách nhiệm trước nhân dân trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tư tưởng, tuyên truyền, thống nhất trong nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo.
Gia Huy