Hà Nội lập kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải
(Chinhphu.vn) - Hà Nội tập trung phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, bảo đảm thoát nước nhanh. Về lâu dài lập kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2026-2030.
Liên quan đến hạ tầng, đô thị, cử tri quận Ba Đình đề nghị cải tạo hệ thống thoát nước trên mặt phố Đội Cấn, Cao Bá Quát - Lê Duẩn giải quyết tình trạng ngập úng diễn ra mỗi khi mưa lớn.
UBND TP. Hà Nội cho biết, đường Đội Cấn, đoạn từ Liễu Giai đến Bưởi (đoạn từ ngã 4 Đội Cấn - Liễu Giai đến ngã 3 Đội Cấn - Bưởi) có xảy ra hiện tượng ngập nước khi có mưa lớn do lượng nước thoát về phố Liễu Giai không kịp.
Để giảm thiểu úng ngập, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất công trình sửa chữa cống thoát nước tại ngã ba Linh Lang - Đội Cấn để phân lưu lượng nước từ phố Đội Cấn thoát về phố Linh Lang, thực hiện trong năm 2024.
Ngoài ra, sẽ nghiên cứu cống hóa mương Ao Dài (ngõ 518 Đội Cấn) phục vụ tiêu thoát nước cho nước từ phố Đội Cấn thoát qua cống hóa mương Ao Dài ra cống hóa mương Liễu Giai Cống Vị - Sông Tô Lịch.
Còn về tuyến phố Cao Bá Quát (đoạn trước cổng Công ty Môi trường đô thị), đây là điểm đen về ngập nước trên địa bàn thành phố. Mặc dù tuyến đường đã được đầu tư đầy đủ hệ thống thoát nước theo Quy hoạch, tuy nhiên việc ngập nước là do mặt đường trũng cục bộ thấp hơn xung quanh gần 1m gây nên thoát nước chậm, ngập cục bộ mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Giao thông vận tải nghiên cứu báo cáo, đề xuất giải pháp.
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, Hà Nội mưa dông diện rộng dẫn đến ngập úng cục bộ tại nhiều tuyến phố. Theo báo cáo nhanh của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, những quận huyện mưa lớn là Hoàng Mai 115mm, Nam Từ Liêm 105mm, Thanh Xuân 70mm, Thường Tín 79mm. Với lượng mưa lớn như vậy, người dân Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, gây ách tắc giao thông tại nhiều tuyến phố như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy,...
Thấu hiểu được những khó khăn của người dân mỗi mùa mưa đến, Hà Nội triển khai dự án xây bể ngầm chống ngập lụt. Cụ thể, đối với những địa bàn đã được đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh theo lưu vực Tô Lịch gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân... Thành phố sẽ tập trung phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, bảo đảm thoát nước nhanh.
Đối với các địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ hoặc chưa được đầu tư - Lưu vực Tả Nhuệ, Lưu vực Hữu Nhuệ gồm địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Lưu vực Long Biên gồm địa bàn quận Long Biên tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư hệ thống thoát nước sử dụng vốn ngân sách theo quy định của Luật Đầu tư công.
Về giải pháp lâu dài, thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật và lồng ghép vào đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Đồng thời, Hà Nội sẽ lập kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2026-2030.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, TP. Hà Nội còn có khả năng xảy ra mưa lớn, ngập úng và các hình thái thời tiết cực đoan khác. Vì thế, các địa phương trên địa bàn Thủ đô cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Thùy Chi