Hà Nội luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp

26/09/2021 10:43 PM

(Chinhphu.vn) - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, hiện các doanh nghiệp FDI lớn trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì khá tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hà Nội cam kết luôn chủ động tạo điều kiện thuận lợi và quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn thăm, kiểm tra bộ phận "một cửa" tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Minh Anh

Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hà Nội là thành phố lớn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đợt dịch thứ 4 bùng phát. Đặc biệt, từ khi phát hiện các ca F0 trong cộng đồng kể từ cuối tháng 7 đến nay, Hà Nội đã phải áp dụng các Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau để bảo đảm an toàn cho người dân. Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Anh Tuấn về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch có tác động như thế nào tới các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội.

Trước thông tin nhiều doanh nghiệp FDI đang gặp khó khăn tại Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội trong tình hình hiện nay?

Ông Đỗ Anh Tuấn: Trong 2 năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã tác động tới tình hình đầu tư nước ngoài tại Hà Nội. Vốn thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố giảm; khu vực kinh tế tư nhân nói chung và có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng đều chịu ảnh hưởng do suy giảm của nhu cầu thị trường, cũng như khó khăn về nhân sự, tài chính...

Việc vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài còn những trở ngại nhất định do yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp trong cụm, khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí phương tiện vận chuyển người lao động từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất hay việc thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" để duy trì hoạt động.

Trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, việc hạn chế giao dịch và chuyển đổi sang làm việc trực tuyến cũng ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và chất lượng công việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, thu nhập của người dân giảm, thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu thu hẹp là những yếu tố tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài các vấn đề chung nêu trên, các doanh nghiệp nước ngoài còn bị ảnh hưởng bởi chính sách nhập cảnh của chuyên gia. Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, đối tượng ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam gồm có: Nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, lao động kỹ thuật, nhưng không bao gồm vị trí Giám đốc điều hành. Nhiều doanh nghiệp vốn nước ngoài đã có ý kiến về quy định này bởi quy định đang gây khó khăn cho việc vận hành sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm 2021 tới nay, trên địa bàn Hà Nội đã có khoảng 200 doanh nghiệp nước ngoài xin tạm ngừng sản xuất kinh doanh do các khó khăn nêu trên, tuy nhiên đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng hoặc mới thành lập trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâu năm hoặc các tổ chức xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn hoạt động hiệu quả; nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nộp hồ sơ đăng ký tăng vốn đầu tư. Đây là dấu hiệu tốt cho khả năng phục hồi kinh tế của Thành phố sau khi hết giãn cách xã hội.

Thưa ông, bên cạnh những chính sách của Chính phủ, thời gian qua, Hà Nội đã giải quyết những khó khăn và tạo ưu đãi, môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI chưa?

Ông Đỗ Anh Tuấn: Chính quyền Thành phố Hà Nội đã rất chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đang gặp phải do tác động của đại dịch COVID. Cụ thể, thời gian qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn, từng bước vượt qua đại dịch.

Ngoài các công tác y tế và thực hiện quy định của Trung ương để phòng chống dịch, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, từ đợt dịch đầu tiên vào tháng 3/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND Thành phố một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài như tạm dừng không thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành tập trung rà soát, giải quyết và hỗ trợ giải quyết ngay những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp FDI như về thủ tục tiếp nhận chuyên gia từ nước ngoài vào, chế độ xét nghiệm, tiêm vaccine, việc giải quyết các TTHC về đầu tư, thuế, giao thông vận chuyển hàng hóa và các lĩnh vực khác cho doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ như giãn, giảm, gia hạn các khoản thuế, bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp, các khoản vay và hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động trong doanh nghiệp FDI theo quy định của Chính phủ nhanh chóng, thuận tiện, không gây phiền hà hoặc tạo thêm vướng mắc trong thực hiện cho các doanh nghiệp.

Đây là những biện pháp kịp thời, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các giải pháp này đã góp phần bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu COVID -19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Hà Nội có kiến nghị gì đối với Chính phủ để khuyến khích thu hút FDI cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư tại Việt Nam?

Ông Đỗ Anh Tuấn: Trong nhiều năm qua, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương đi đầu về thu hút FDI trong cả nước. Như tôi đã nói lúc đầu, hiện nay, các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội vẫn đang khắc phục những khó khăn tạm thời do đại dịch và duy trì hoạt động khá tốt.

Việt Nam, với những chính sách cởi mở và nhiều điều kiện thuận lợi, đang là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như là điểm đầu tư hiệu quả của công ty sản xuất, cung ứng và thương mại.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên nền kinh tế thế giới cũng là một thách thức rất lớn đối với kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các giải pháp của Chính phủ, Bộ ngành và Thành phố hiện đang có hiệu quả, có tác động tích cực tới việc kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế tại Thủ đô.

Trong năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng các cơ quan hoàn thiện và tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch hành động thu hút đầu tư nước ngoài theo chỉ đạo của Trung ương vào tháng 7/2021 với định hướng là thu hút chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo; đặc biệt chủ động tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ khu vực kinh tế vốn nước ngoài.

Thời gian tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để tham mưu UBND Thành phố các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bảo đảm là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư. Theo đó, thành phố sẽ tiếp chú trọng cải cách hành chính, cắt giảm và phối hợp liên thông các thủ tục hành chính; tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa TTHC trong các lĩnh vực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố là cơ quan đầu mối thiết lập đường dây nóng, khẩn trương tiếp nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Tăng cường ưu đãi đầu tư, có chính sách ưu đãi cho các ngành nghề đầu tư ưu tiên, đặc biệt cho các doanh nghiệp về công nghệ và chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Để có thể chuyển giao công nghệ có hiệu quả từ khu vực FDI, chúng tôi cũng sẽ tham mưu những chính sách để thu hút hơn nữa vào toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả các ngành công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam.

Đồng thời Thành phố cũng đã sẵn sàng chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề cao, mặt bằng và năng lượng để đón đầu dòng vốn dịch chuyển mới.

Nhìn chung, với các chính sách này, chúng tôi đã và đang xây dựng đều nhằm mục tiêu là luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh

Top